Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khu vực phía Bắc có 53 công ty lâm nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới.
Trong đó có 15 công ty duy trì mô hình công ty TNHH MTV thực hiện nhiệm vụ công ích; 8 công ty sẽ chuyển thành công ty TNHH 2 TV; 17 công ty sẽ cổ phần hóa; 3 công ty sẽ sáp nhập, chuyển thành ban quản lý rừng và 8 công ty phải giải thể.
Đáng chú ý là đến năm 2018 mới có Công ty Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi (Tuyên Quang) cổ phần hóa.
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá, việc triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp tại các địa phương rất chậm. Ngoại trừ các công ty cổ phần, hầu hết các doanh nghiệp tuy đã sắp xếp, nhưng chưa đổi mới.
Theo ông Cao Chí Công, nguyên nhân của thực trạng này là do đất rừng ở nhiều nơi bị tranh chấp, lấn chiếm, cấp trùng chưa được xử lý dứt điểm; kinh phí Nhà nước đầu tư cho đo đạc, cắm mốc, quản lý bảo vệ rừng, cấp bổ sung vốn điều lệ... còn thiếu; một số cơ chế chính sách như đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với các doanh nghiệp quản lý bảo vệ rừng để quản lý đất đai... chậm được triển khai, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất và quản lý.
Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, trong khi việc vay vốn gặp khó; nhiều công ty đang lâm vào tình trạng sản xuất cầm chừng, thiếu kinh phí để duy trì sản xuất; đời sống người lao động không đảm bảo...
Khắc phục thực tế này, Bộ NN&PTNT đang đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo phương án tổng thể của các tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.