Một ngày giao dịch xã ở Tuần Giáo

Trong cái nắng tháng 6 như thiêu như đốt trên mảnh đất Điện Biên, một ngày cùng các cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tuần Giáo đi giao dịch với người dân tại Điểm giao dịch xã mới thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn của những cán bộ NHCSXH đang ngày đêm giúp dân thoát nghèo.

Khi sương mờ còn giăng trên đỉnh núi cao, tiếng gà chưa báo sáng, những cán bộ NHCSXH huyện Tuần Giáo đã dậy sớm đến trụ sở. Mặc dù hôm nay là chủ nhật, nhưng vì vào ngày giao dịch cố định nên cũng như những buổi giao dịch trong ngày bình thường, cán bộ NHCSXH huyện Tuần Giáo đã chuẩn bị đồ đạc cần thiết phục vụ buổi giao dịch cùng bà con như máy tính xách tay, máy in, máy phát điện, máy đếm tiền, thùng tôn… để xuống xã.

Những cán bộ NHCSXH huyện Tuần Giáo (bên phải) trong một buổi giao dịch với bà con.

Chiếc xe đặc chủng của NHCSXH dành cho các huyện vùng cao - chở tổ giao dịch lưu động nhằm hướng xã Pú Xi - là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo. Quãng đường từ trung tâm huyện đến xã Pú Xi phải đi hơn 60 km, vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu. Vì vậy, thời gian di chuyển trên đường lâu hơn thông thường so với đi giao dịch các xã có điều kiện thuận lợi về giao thông, các cán bộ NHCSXH huyện phải đi sớm hơn để kịp lịch giao dịch với bà con.

Phải mất hơn 4 giờ di chuyển, Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH huyện Tuần Giáo mới có mặt tại UBND xã Pú Xi, tại Hội trường của xã đã có khá đông người dân đến để thực hiện giao dịch với NHCSXH. Khi thấy những cán bộ NHCSXH tới Điểm giao dịch, mọi người ai cũng vui tươi, chào hỏi thể hiện sự chân tình, gần gũi. Ông Giàng A Sùng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Pú Xi 2, xã Pú Xi cho biết: “Chúng tôi xem những cán bộ NHCSXH huyện Tuần Giáo như người thân trong gia đình, các anh chị đã giúp chúng tôi có vốn vay ưu đãi, bày cho cách làm ăn, bà con dân bản ai cũng quý cán bộ NHCSXH”.

Khi buổi giao dịch diễn ra, bà con ai cũng trật tự, nghiêm túc, từng hộ dân lần lượt thực hiện các giao dịch với cán bộ NHCSXH. Các công việc chính được thực hiện trong buổi giao dịch tại xã Pú Xi gồm: Thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn; thu nợ của các hộ đến hạn; giải ngân chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho những hộ vay mới; tổ chức họp giao ban với Ban giảm nghèo xã, đại diện hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn để triển khai các chủ trương, chính sách mới.

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp các hộ dân ở Tuần Giáo phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập.

12 giờ 30 phút, trong thời tiết nóng bức, các cán bộ NHCSXH thực hiện giao dịch với bà con dân nghèo tại xã Pú Xi vừa đói, vừa mệt, những chiếc áo sọc kẻ màu hồng giờ đây đã thấm đẫm nhiều giọt mồ hôi, nhưng vì giúp bà con sớm tiếp cận với vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh, các anh, chị vẫn miệt mài làm việc. Đến lúc này để có được những bữa cơm trưa đàng hoàng hay có một giấc ngủ trưa đúng nghĩa là một thứ gì đó hết sức xa xỉ với anh em.

Và chắc có lẽ đối với những cán bộ NHCSXH nói chung, họ không có khái niệm về bữa cơm trưa và giấc ngủ trưa đúng nghĩa … Giữa trưa, dù nắng, dù đói, dù mồ hôi có đầm đìa cơ thể, hình bóng của các anh, các chị vẫn đến với bà con với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp dân nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi, thoát nghèo bền vững, xây dựng đời sống mới. Có đến Điểm giao dịch mới thấy được sự vất vả của các anh, các chị đang ngày đêm quản lý, chuyển tải vốn vay ưu đãi. Tuy khó khăn là vậy nhưng những cán bộ NHCSXH huyện Tuần Giáo không một tiếng thở than hay phàn nàn, thay vào đó là tiếng cười vui mỗi khi có thêm một hộ dân thoát nghèo.

Anh Tòng Hữu Yên, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tuần Giáo cho biết: “Buổi giao dịch diễn ra từ sáng đến 15 giờ, lúc nào xong thì anh em sẽ ăn tạm xôi, bánh mì mang theo. Vì địa điểm giao dịch xa nên mấy anh em thường mang theo đồ ăn, nước uống”.

Nói về hoạt động giao dịch tại xã, ông Thào A Tú - Chủ tịch UBND xã Pú Xi cho hay: “Từ khi NHCSXH huyện Tuần Giáo triển khai giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người nghèo. Sau khi giao dịch xong, cán bộ ngân hàng lại công khai kết quả, qua đó người dân sẽ biết được hộ nào được vay mới, theo chương trình gì; hộ nào đã trả hết nợ; số lãi mà mỗi hộ phải nộp tháng tới… Nếu không có nguồn vốn vay của NHCSXH với thủ tục đơn giản, thuận tiện, thì chẳng biết các hộ nghèo tại xã bao giờ mới thoát được nghèo”.

Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Pú Xi, huyện huyện Tuần Giáo đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều hộ dân. Bởi nhờ đó, họ tiếp cận với vốn vay ưu đãi. “Nhờ giao dịch tại xã mà người dân chúng tôi đã không còn cảnh đi lại xa xôi, đợi chờ khi vay vốn, trả nợ, trả lãi và cán bộ NHCSXH đã có thêm điều kiện chủ động bám bản làng để cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể cơ sở, cùng giúp đỡ, hướng dẫn vay vốn nhanh chóng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả”, ông Giàng A Sùng cho biết thêm.

Theo quy định, việc giao dịch của NHCSXH tại xã, phường được thực hiện cố định vào 1 ngày của tháng, cho dù trùng với ngày nghỉ hay thứ 7, chủ nhật thì NHCSXH huyện Tuần Giáo vẫn thực hiện giao dịch với bà con như những ngày bình thường. Ngoài những buổi giao dịch tại xã, phường, thị trấn, các cán bộ của NHCSXH huyện Tuần Giáo lại bận rộn với việc xử lý hồ sơ cho vay, đôn đốc thu nợ quá hạn, lãi tồn đọng…

Nhìn bề ngoài, ai cũng luôn cho rằng, cán bộ ngân hàng có công việc nhàn hạ, ít phức tạp, nhưng ít ai biết được sự vất vả, khó khăn mà những cán bộ NHCSXH đã và đang trải qua. Dù ngày nắng hay ngày mưa, dù sáng sớm hay đêm tối, nơi nào dân nghèo cần vốn ưu đãi là ở đó có dấu chân của những cán bộ NHCSXH.

NHCSXH huyện Tuần Giáo cách trung tâm thành phố Điện Biên gần 80 km, đang quản lý gần 329 tỷ đồng, với 282 Tổ tiết kiệm và vay vốn và gần 13.850 khách hàng. Địa hình huyện Tuần Giáo hết sức phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, số lượng khách hàng nhiều, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ kiến thức còn hạn chế lại phân tán, trải rộng qua nhiều đồi núi vì vậy mà công tác quản lý và chuyển tải vốn vay ưu đãi gặp rất nhiều khó khăn.




Bài và ảnh: Trần Giáp
Thoát nghèo bền vững từ hỗ trợ tam nông
Thoát nghèo bền vững từ hỗ trợ tam nông

Tỉnh Gia Lai có 26 xã thuộc 5 huyện vùng khó được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn là K'Bang, Konchoro, Krôngpa, Ia Pa và Đăk Đoa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN