Người nuôi ong ở khắp nơi đưa đàn ong đến để lấy mật. Hoa từ loại cây mọc ở ngoài biển này có mùi hương đặc trưng, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên mật ong hoa sú vẹt rất được ưa chuộng trên thị trường. Năm nay, giá mật ong tăng cao so với các năm trước, người nuôi ong có cũng thu nhập tốt hơn.
Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật gần 20 năm qua, năm nào đến mùa hoa sú vẹt nở, ông Nguyễn Văn Lượng, xã Xuân Hoà, huyện Xuân Trường cũng đưa đàn ong của mình về Vườn quốc gia Xuân Thủy để lấy mật. Mùa hoa sú vẹt năm nay, ông Lượng đặt 400 đàn ong nằm ven con đường nhỏ bên trong vùng lõi vườn quốc gia để ong lấy mật hiệu quả nhất, như vậy sẽ ít phải cho ong ăn thêm thức bên ngoài.
Theo ông Lượng, sú vẹt là một loại cây mọc ở ven biển, đặc tính sống là nửa nước và nửa cạn, hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, nuôi ong ven rừng ngập mặn luôn cho chất lượng mật tự nhiên, mật ong không những sạch, thơm mà còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Thông thường từ 10 - 12 ngày, những người nuôi sẽ quay (lấy) được mật. Hiện với 400 đàn ong, mỗi lần quay mật, ông Lượng sẽ thu về được gần 400kg mật ong.
Ông Lượng cho biết, do đặc tính dinh dưỡng của mật ong hoa sú vẹt cao nên từ đầu vụ đến nay mỗi lần quay mật các thương lái đều về tận nơi thu mua. Nếu như các năm trước, giá mật ong thường dao động từ 60.00 - 80.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, còn hiện nay đã lên tới 100.000 đồng/kg. Tính trung bình mỗi vụ hoa sú vẹt, người nuôi sẽ thu lãi được từ 60 - 70 triệu đồng.
Cũng là một người thường xuyên đưa đàn ong về Vườn quốc gia Xuân Thủy để lấy mật, ông Phạm Văn Chinh, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường cho biết, những năm trước đây ông có khoảng 1.000 đàn ong, nhưng năm nay do thời tiết khắc nghiệt cũng như không có người chăm sóc nên ông giảm xuống còn 500 đàn. Từ sau dịch COVID-19, người dân mua nhiều mật ong hơn để tăng sức đề kháng, giá cũng tăng cao, người nuôi ong cũng có thu nhập khá hơn.
Công việc hàng ngày của ông Chinh khi đưa đàn ong về Vườn quốc gia Xuân Thủy để lấy mật là thường xuyên đảo cầu (khung gỗ được đặt trong thùng ong để ong làm tổ) để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết hay không, trường hợp thức ăn ngoài tự nhiên không đủ sẽ phải cho ong ăn thêm. Theo ông Chinh, nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, phải di chuyển liên tục.
Sau vụ hoa sú vẹt, ông Chinh phải thuê xe tải vận chuyển đàn ong lên Mộc Châu, Sơn La để thu mật cỏ hoa. Đầu tháng 11, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa Đông sẽ di chuyển đàn ong vào khu vực Tây Nguyên để tránh rét và để thu mật điều, mật cà phê. Vào đầu tháng 3 khi hoa nhãn, hoa vải nở lại di chuyển đàn ong trở lại miền Bắc… hành trình của người nuôi ong cứ rong ruổi quanh năm, hoa ở đâu, ong ở đó.
Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích 14.500ha, trong đó khoảng 7.100ha là vùng lõi và hơn 7.300ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải. Đây là khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo, được bao quanh bởi những cánh rừng sú vẹt. Khi vào mùa hoa sú vẹt nở cũng dịp những người thợ nuôi ong lại tất bật với công việc làm giàu từ loài hoa đặc trưng của rừng ngập mặn.
Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy cho hay, mùa hoa sú vẹt năm nay có khoảng 20 chủ nuôi ong với khoảng từ 5.000 - 7.000 đàn ong về lấy mật. Mỗi vụ hoa sú vẹt tại đây cho sản lượng mật đạt từ 80 - 100 tấn, với giá mật ong tăng cao như hiện nay sẽ cho nhập lên đến hàng tỷ đồng/năm cho những người nuôi ong trong khu vực Vườn quốc gia Xuân Thuỷ.
Để giảm áp lực khai thác lên tài nguyên thiên nhiên và giúp người dân phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ cũng đang hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong và từng bước thí điểm mô hình cải thiện chất lượng sản phẩm mật ong nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm mật ong, tạo thu nhập tốt hơn cho người dân.