Muỗi hành gây hại lúa Đông Xuân tại Kiên Giang

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết trên một số trà lúa Đông Xuân 2017 - 2018 đã xuống giống, muỗi hành xuất hiện gây hại, với khoảng 145 ha đang bị nhiễm, tập trung ở 2 xã Thủy Liễu và Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang).

Nông dân huyện Giồng Riềng kiểm tra lúa bị muỗi hành gây hại. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang, điều kiện thời tiết nắng yếu, trời âm u, nắng mưa xen kẽ thích hợp để muỗi hành phát triển gây hại lúa, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Qua thực hiện bẫy đèn, số lượng thành trùng muỗi hành vào bẫy đèn mật số khá cao, khoảng 260 con/bẫy/đêm; trên diện tích lúa đang bị nhiễm muỗi hành ở huyện Gò Quao, có 25 ha tỷ lệ nhiễm 5 - 20% và 120 ha là 30 - 40%.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, ngành nông nghiệp chỉ đạo đơn vị chức năng chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ lúa Đông Xuân, ngăn chặn và hạn chế muỗi hành lây lan gây hại trên diện rộng. Trước mắt, tập trung hướng dẫn nông dân diệt trừ, dập tắt ổ dịch trên các trà lúa đang bị nhiễm muỗi hành.

Cùng với đó, những vùng gieo sạ lúa, khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu để phòng trừ muỗi hành, vì thuốc trừ sâu có tác dụng kém, không hiệu quả với đối tượng này, đồng thời bảo vệ nguồn thiên địch có ích trên đồng ruộng để diệt trừ muỗi hành và một số đối tượng sâu bệnh gây hại khác. Nông dân được hướng dẫn chăm sóc ruộng lúa nhiễm muỗi hành như bón phân cân đối, hạ thấp mực nước trên mặt ruộng để những chồi lúa còn lại tiếp tục phát triển.

Đối với các vùng chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân chính vụ, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, lúa chét, lúa hoang mọc ở hai bên bờ kênh mương, bờ ruộng để hạn chế nơi ẩn trú của muỗi hành. Áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng” vào đồng ruộng, bao gồm: sạ thưa từ 80 - 100 kg giống/ha, bón phân cân đối giữa NPK và không bón thừa phân đạm, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa nhằm bảo tồn và duy trì nguồn thiên địch diệt trừ sâu bệnh.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang chỉ đạo các trạm tại địa phương phối hợp với tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp xã bám sát đồng ruộng, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, đề ra biện pháp xử lý. Thực hiện đặt bẫy đèn và theo dõi chặt chẽ để xác định cao điểm thành trùng muỗi hành xuất hiện tại địa phương giúp nông dân gieo sạ lúa né muỗi hành gây hại giai đoạn mạ.

Vụ lúa Đông Xuân 2016 - 2017 tỉnh Kiên Giang cũng bị muỗi hành gây hại hơn .000 ha. Hệ lụy là năng suất lúa đạt thấp, nhiều trà lúa bị mất trắng, nông dân thua lỗ, sản lượng thu hoạch lúa năm 2017 của tỉnh giảm khoảng 4.500 tấn so với kế hoạch.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa
Hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Trước thực trạng sâu năn (hay gọi muỗi hành), hoành hành trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, theo dõi tình hình gây hại của sâu năn trên lúa để có biện pháp hướng dẫn phòng trừ đạt hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN