Trong Công báo Liên bang ngày 3/7, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cho ZTE thời hạn tới ngày 1/8 năm nay để tiếp tục duy trì mạng lưới và trang thiết bị hiện có tại Mỹ, đồng thời dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đặt ra hồi tháng 4 năm nay vốn đẩy công ty viễn thông này đến bờ vực sụp đổ.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ không cho phép các công ty trong nước gây dựng bất kỳ mối quan hệ kinh doanh mới nào với ZTE.
Tuyên bố trên được đưa ra khi hồi tuần trước, ZTE đã thực hiện một trong số các cam kết với Washington, đó là thay thế Ban giám đốc mới với 8 thành viên, đồng thời sa thải nhiều vị trí điều hành cấp cao của tập đoàn.
Trước đó, hôm 7/6, Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington, giúp ZTE tránh được nguy cơ phá sản. Theo thỏa thuận, ZTE sẽ phải nộp phạt 1 tỷ USD và trong vòng 30 ngày phải thay Ban giám đốc điều hành hiện tại. Ngoài ra, hãng sản xuất thiết bị viễn thông này còn phải nộp 400 triệu USD tiền đặt cọc trong trường hợp vi phạm các điều khoản trên.
Thỏa thuận trên được đưa ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi ngày 6/7 tới, chính quyền Mỹ dự kiến bắt đầu áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá hơn 30 tỷ USD với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có nhiều hoạt động thương mại không công bằng khác. Đáp lại, Bắc Kinh sau đó có động thái trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên số hàng Mỹ có cùng giá trị. Những tranh cãi này đẩy hai nước tiến gần hơn một cuộc chiến thương mại mà theo dự đoán sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.
Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là hãng viễn thông lớn thứ 2 ở Trung Quốc và là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm do ZTE nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.