Hạn chót (17/10) để Mỹ phải nâng trần nợ công đã gần kề, nhưng Hành pháp và Quốc hội lưỡng viện nước này vẫn chưa tìm ra đồng thuận. Tuy nhiên, các thị trường tài chính thế giới, kể cả hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản, vẫn bình tĩnh. Về phần các cơ quan thẩm định tài chính, trước mắt cũng chưa lên tiếng dọa hạ điểm tín nhiệm đối với nợ công của nền kinh tế số 1 hành tinh.
Trong khi đó, hồi năm 2011, khi Washington đàm phán để nâng trần nợ công thì cũng là lúc Standard & Poor's hạ điểm tín nhiệm của quốc gia này. Khi đó tổng nợ công của Mỹ tương đương 10% GDP chứ không chỉ là gần 4% như hiện tại. Giải thích cho thái độ điềm tĩnh đó, các chuyên gia cho rằng, thời hạn 17/10 được chính giới Mỹ nêu lên như là một cột mốc “quyết định”, nhưng trên thực tế hạn ngày 17/10 nặng về ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế.
Mỹ sắp vỡ nợ nhưng hai chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn bình tĩnh. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, tới ngày 17/10, nếu Nhà Trắng và Hạ viện do đảng đối lập Cộng hòa chiếm đa số không tìm ra đồng thuận để nâng trần nợ công, Bộ Tài chính Mỹ vẫn còn một khoản dự trữ khoảng 30 tỷ USD để thanh toán nợ đáo hạn, chi trả những khoản chi cấp bách nhất. Nhưng kể từ cột mốc thời gian đó, về phương diện pháp lý, Chính phủ không được quyền đi vay thêm để trang trải các hóa đơn đến kỳ phải trả. Đó sẽ là một vấn đề đau đầu khi Bộ Tài chính phải thanh toán 6 tỷ USD tiền lãi cho các chủ nợ vào ngày 1/11 và cùng ngày, phải xuất ra 55 tỷ USD để trả các khoản an sinh xã hội.
Trong trường hợp Hạ viện vẫn chưa đồng ý nâng trần nợ công từ nay cho đến hết ngày 31/10 thì điều gì sẽ xảy ra? Có ba kịch bản được đưa ra: Một là Mỹ buộc phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công để duy trì mức nợ công ở dưới ngưỡng quy định 16.700 tỷ USD (tương đương 3,9% GDP). Thứ hai là Tổng thống Obama sử dụng điều khoản cho phép ông đơn phương nâng trần nợ công. Thứ ba là Mỹ sau ngày 1/11 rơi vào tình trạng “tạm thời mất khả năng thanh toán”. Trong trường hợp thứ ba này, Mỹ sẽ đánh mất niềm tin nơi các nhà đầu tư trên thế giới, bởi vì từ trước đến nay, trái phiếu của Mỹ vẫn được coi là “an toàn” nhất.
Theo giới phân tích, cụm từ “vỡ nợ” hay “mất khả năng thanh toán” dùng để nói về khủng hoảng của Mỹ hiện nay không hoàn toàn chính xác bởi Washington không trong rơi vào tình cảnh bị đe dọa như Hy Lạp hay một vài quốc gia khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, khiến họ phải cầu cứu quốc tế.
Trả lời phỏng vấn đài RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận định: vấn đề cơ bản vẫn là Mỹ bị bội chi quá lớn. Bội chi không thể kéo dài và là mối nguy thật sự cho Mỹ, chưa kể các khoản cam kết của Quỹ Hưu trí hay nghĩa vụ thanh toán Quỹ Bảo hiểm y tế Medicare hay Trợ cấp Y tế Medicaid. Chính trường Mỹ vẫn bị tác động bởi lịch bầu cử. Hai cuộc bầu cử 2014 và 2016 sắp tới khiến đôi bên lại đổ lỗi cho nhau để giành phiếu mà cuối cùng vẫn chỉ là tìm giải pháp thỏa hiệp. Hiện tượng này từng xảy ra hồi tháng 8/2011 khiến trái phiếu Mỹ mất giá và chính phủ đành thả nổi cho biện pháp tự động giảm chi. Những biện pháp tự động ấy góp phần thu hẹp bội chi ngân sách dù Chính quyền Obama cứ báo động về nguy cơ suy thoái vào đầu năm 2013. Có lẽ vì vậy mà lần này thị trường Mỹ không mấy rúng động.
Mỹ đang nợ nước ngoài khoảng 5.000 tỷ USD, với hai chủ nợ hàng đầu là Trung Quốc (1.300 tỷ USD) và Nhật Bản (1.100 tỷ USD). Nhưng thực tế kinh tế lại có nhiều điều đáng chú ý. Thứ nhất, thị trường Mỹ có mức thanh khoản cao, sức tiếp nhận sâu rộng. Thứ hai, các thị trường lớn khác như châu Âu lại chưa được an toàn như vậy. Thứ ba, Mỹ cũng nắm trong tay tài sản của nhiều nước khác dưới dạng đầu tư rất lớn. Tóm lại, Mỹ đang đi vay rẻ và tung tiền kiếm lời cao hơn ở nước khác. Và sau cùng, nếu chủ nợ sợ hãi bán tháo thì vừa bán ra là tài sản của họ tại Mỹ lại sụt giá.
PV