Mỹ ủng hộ Trung Quốc đứng đầu ngân hàng khu vực

Trái với những ý kiến phản đối mạnh mẽ ban đầu đối với việc thành lập một định chế phát triển mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ngày 31/3 cho biết Washington hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Trung Quốc về thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) với phần lớn vốn đầu tư ban đầu là của Trung Quốc.

Phát biểu tại San Francisco sau chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ khẳng định ủng hộ việc thành lập bất kỳ ngân hàng phát triển quốc tế mới nào với điều kiện ngân hàng mới là sự bổ sung cho các định chế hiện hành như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông nhấn mạnh các thể chế mới cần chia sẻ cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về tiến trình đưa ra quyết sách và quản lý đa phương minh bạch; cũng như các tiêu chuẩn cho vay và các biện pháp bảo vệ môi trường, xã hội luôn được hoàn thiện.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew.


Theo ông Lew, nếu AIIB phối hợp với các định chế tài chính hiện hành để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á sẽ giúp chứng tỏ cam kết đáng tin nhất về cách thức quản lý, an ninh môi trường và xã hội, khả năng trả nợ.


Bắc Kinh xác nhận đã có 30 quốc gia được phê chuẩn làm thành viên sáng lập của AIIB. Trong động thái mới nhất, Na Uy và Iceland đã thông báo quyết định trở thành thành viên sáng lập của AIIB. Quyết định của Iceland được đưa ra vào phút chót ngay trước khi thời hạn đăng ký trở thành thành viên sáng lập AIIB kết thúc vào ngày 31/3.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Na Uy nêu rõ nước này hy vọng việc thành lập AIIB sẽ giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc tài trợ cho các dự án hạ tầng vốn tồn tại lâu nay tại châu Á vì ngân hàng mới này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả châu Âu và châu Á; đồng thời nhấn mạnh việc thành lập AIIB có ý nghĩa quan trọng đối với những ưu tiên phát triển của Na Uy.

Sau ngày 31/3, các nước cũng như các khu vực vẫn có thể gia nhập ngân hàng mới song chỉ là thành viên bình thường. Hồi tháng 10/ 2014, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, 21 quốc gia châu Á đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD.

Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực. Các thành viên tham gia sáng lập gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Việt Nam.

Theo kế hoạch, AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 sau khi các cổ đông sáng lập thông qua và ký kết các điều khoản thỏa thuận. Sáng kiến thành lập AIIB được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2013 với mục tiêu giảm bớt phụ thuộc tài chính vào WB, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.


TTXVN/Tin tức

30 quốc gia được chấp thuận làm thành viên sáng lập AIIB
30 quốc gia được chấp thuận làm thành viên sáng lập AIIB

Trung Quốc xác nhận rằng 30 quốc gia đã được chấp thuận làm thành viên sáng lập AIIB do Bắc Kinh đề xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN