Theo đó, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín đưa ra 5 vấn đề lớn cần quan tâm:
1. Về tỷ giá USD/VNĐ
Áp lực tỷ giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017. |
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ tỷ giá khá ổn định trong 11 tháng đầu năm 2016 chính là điểm hạn chế. Bởi khi những biến cố bất ngờ xảy ra trong tháng 11, như Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ và FED nâng lãi suất đã tạo thành một áp lực lớn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.
Nếu trong năm qua, NHNN tăng dần tỷ giá thì đã có thể giải tỏa được những áp lực nói trên mà không khiến chúng “bùng” lên vào dịp cuối năm. Do đó, NHNN nên thay đổi chính sách tỷ giá, cần linh hoạt và có lộ trình hơn bằng cách thay đổi tỷ giá dần dần trong năm và đây sẽ là điều các nhà đầu tư ngoại quốc quan tâm trong thời gian tới.
2. Về lạm phát
Việc thực hiện nhiệm vụ điều hành giá, kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều áp lực, khó khăn hơn năm 2016. Đó là do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá, như xu hướng hồi phục của giá xăng dầu và giá các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới, việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục..) theo lộ trình thị trường.
Đồng thời, áp lực về tỷ giá; các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai; việc chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá do Nhà nước định giá theo Luật phí và lệ phí và Nghị định số 149/2016 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013 ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá thì việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá. Mặt khác, công tác điều hành giá đồng thời phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
3. Thu chi ngân sách nhà nước
Một yếu tố khác cũng rất đáng lưu tâm trong năm nay chính là vấn đề thu chi ngân sách. Thâm hụt ngân sách của nước ta hiện đã lên tới 6% GDP và cao hơn chỉ tiêu của Chính phủ là 5%. Do đó, Chính phủ sẽ phải có những cân nhắc trong vấn đề thu thuế, hoặc chi thường xuyên.
4. Vấn đề nợ xấu của VAMC
Hiện VAMC đang được từng bước xử lý dứt đoạn. Trong đó, có 5 ngân hàng đưa vào diện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không để xảy ra tình trạng phá sản mà lại mua vào với giá 0 đồng và quốc hữu hóa các ngân hàng này nhằm tránh rủi ro xảy ra với toàn hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, giải quyết vấn đề bằng cách này thì NHNN sẽ rất tốn kém khi phải gánh chịu trách nhiệm những khoản thua lỗ của các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt yêu cầu dưới 3% tổng dư nợ mà Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, trong năm 2016 việc xử lý nợ xấu chưa có nhiều triển vọng khi tỷ lệ nợ xấu đã xử lý được vẫn mang tính chất “gom xong để đấy”.
Số liệu tập hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2016 ước tính giảm nhẹ từ 2,9% năm 2015 xuống 2,8%. Trong 2016, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hệ thống các TCTD đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý; bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%; bán cho VAMC chiếm 21%.
Ngoài ra, trong 10 nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 được Chính phủ đề ra, nhiệm vụ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các TCTD được chú trọng nhằm làm lành mạnh hóa thị trường tài chính. Tuy nhiên, năm 2016 đã đi qua, tình trạng nợ xấu vẫn chưa được cải thiện. Điều này cũng đã ít nhiều tác động đến tình hình tiền tệ, các ngân hàng vẫn phải trích lập phần nhiều cho dự phòng rủi ro, “đường” lên Basel II chưa rộng, lãi suất cho vay vẫn là nỗi “ngao ngán” của doanh nghiệp…
Vì thế trong năm tới, Chính phủ lại phải tiếp tục kỳ vọng vào việc đi tới thực thi hiệu quả việc hình thành thị trường mua bán nợ.
5. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và bán vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp này
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 52 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc các Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Nam và 17 địa phương. Ngoài ra, đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 doanh nghiệp, gồm giải thể 10 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp.
Như vậy, từ năm 2011 đến hết năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 554 doanh nghiệp và tính từ trước đến hết năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 4.506 DNNN. Trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 47 tổng công ty nhà nước và nhiều DNNN quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng. Bên cạnh đó, một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích cũng được cổ phần hóa, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, so với năm 2015, công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu của DNNN năm 2016 tiến triển rất chậm, cổ phần hóa bằng 21,7%, thoái vốn bằng 30,2%. Chính vì vậy, trong năm 2017 việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN sẽ cần phải thực hiện nhiều biện pháp mạnh hơn.