Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ, thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến những thuân lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của các hội viên; đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm giúp hội doanh nhân trẻ vững mạnh hơn, đoàn kết, thống nhất, có các hoạt động gắn chặt với quyền lợi của hội viên, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Hội doanh nhân trẻ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Bà Trịnh Thị Nương, hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình cho rằng, xúc tiến thương mại là một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm gần đây, Ninh Bình là một trong những địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nương cho rằng, thời gian tới, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và triển khai các nội dung liên quan để thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trực tiếp hoặc trực tuyến trên mạng internet cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong tỉnh; hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, đưa sản phẩm lưu thông tại các hệ thống phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; thúc đẩy xúc tiến thương mại điện tử, phát huy hiệu quả mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến.
Một vấn đề khác rất quan trọng với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là vốn, dòng vốn. Hiện hầu hết các doanh nghiệp đang khá vất vả khi tìm nguồn vốn vay từ phía ngân hàng do quy mô nhỏ và biến cố COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực tài chính hạn chế chính là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, nên rất cần sự hỗ trợ mới từ Chính phủ thông qua những cơ chế chính sách về tài chính, tín dụng.
Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến việc chủ động nắm bắt thời cơ thời đại công nghiệp 4.0, thực hiện công cuộc chuyển đổi số, tăng cường các hoạt động thiện nguyện, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút hội viên, phát huy vai trò của người đứng đầu tập hợp, thu hút, lấy hội viên làm gốc, nâng tầm và gắn kết các hội viên.
Ông Trần Đăng Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực đã có nhiều cố gắng, nỗ lực kiện toàn tổ chức, đưa công tác hội và phong trào doanh nhân trẻ phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và phong trào doanh nhân trẻ toàn quốc.
Thời gian tới, Hội Doanh nhân trẻ các địa phương trong khu vực cần làm tốt công tác xây dựng tổ chức hội, không ngừng gia tăng số lượng, cũng như chất lượng hội viên. Bên cạnh đó, cần triển khai tích cực các hoạt động hội, ngoài việc tập trung các hoạt động bề nổi như góp phần chăm lo an sinh xã hội, văn hóa, thể thao... cần tập trung vào các hoạt động được đông đảo hội viên quan tâm như: Tư vấn, đối thoại chính sách, xúc tiến thương mại và đầu tư... Mặt khác, cần nêu cao vị trí, vai trò của hội trong mối quan hệ với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và vai trò đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế của các địa phương.
Dịp này, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình trao 60 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trị giá 2 triệu đồng và 10 kg gạo/suất.