Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên chủ trương khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các loại khoáng sản.

Việc đưa vào quản lý không gây cạn kiệt tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn có hoạt động khoáng sản, xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản với công nghệ thiết bị hiện đại để nâng cao hệ số thu hồi, giá trị của khoáng sản phù hợp quy hoạch phát triển.

Tỉnh chỉ cho phép các đơn vị được cấp mỏ hoặc chủ động được nguồn nguyên liệu ngoài tỉnh mới được đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến sâu các loại khoáng sản với công nghệ thiết bị hiện đại; không cấp phép cho các dự án khai thác, chế biến không có hiệu quả; khai thác các loại khoáng sản thông qua tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai theo đúng các qui định hiện hành của pháp luật...

Đóng gói sản phẩm kẽm thỏi (hàm lượng ≥ 99,95% Zn) sản xuất tại Nhà máy Luyện kim màu Thái Nguyên. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, mục tiêu chủ yếu trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản thời gian tới ở Thái Nguyên là cân đối lượng khoáng sản cần khai thác để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu nguyên nhiên liệu cho các cơ sở chế biến sâu trên địa bàn tỉnh và phù hợp với quy hoạch chung của cả nước.

Đồng thời, tỉnh kiên quyết không xuất khẩu khoáng sản thô, đảm bảo cho hoạt động khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật, duy trì mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành khai thác các loại khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 là 5%/năm...

Việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc trên cơ sở quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than, quặng sắt và các loại khoáng sản giai đoạn 2016-2020, có xét đến năm 2030; Đề án quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; các quy định của tỉnh về lựa chọn nhà đầu tư; trình tự thủ tục lập, thẩm định và tổ chức thực hiện dự án đầu tư khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn...

Qua thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, hiện trên địa bàn có 55 điểm quặng thuộc nhóm khoáng chất; 23 mỏ và điểm khoáng sản than với trữ lượng khoảng 63,8 triệu tấn than các loại, trong đó 4 mỏ lớn đã thăm dò và cấp phép khai thác; trên 80 mỏ và điểm khoáng sản sắt với tổng trữ lượng khoảng 45 triệu tấn);

17 mỏ và điểm quặng titan với trữ lượng dự báo hơn chục triệu tấn... Hiện tỉnh có 91 doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản và 1 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó 20 giấy phép do các Bộ, ngành Trung ương cấp, 118 giấy phép do UBND tỉnh cấp.

Nhìn chung, công tác thăm dò, khai thác đến chế biến sâu các loại khoáng sản trên địa bàn thời gian qua đã được thực hiện theo quy hoạch. Các đơn vị được cấp phép khai thác quặng đã đầu tư khai thác và xây dựng nhà máy tuyển, chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng quặng sau khai thác, tạo được nhiều loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như vonfram, thiếc, kẽm, đồng... có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương nơi có khoáng sản.

Tuy vậy, công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vẫn bộc lộ một số hạn chế như: Một số mỏ khoáng sản được cấp phép nhưng chậm đưa dự án vào hoạt động, tình trạng số giấy phép cấp nhiều nhưng những mỏ và nhà máy chế biến sâu hoạt động thiếu hiệu quả còn phổ biến.

Các dự án tuyển thô về cơ bản có dây chuyền công nghệ sản xuất giống nhau, đơn giản và chủ yếu sản xuất trong nước (trừ dự án chế biến quặng đa kim Núi Pháo). Nhu cầu về chất lượng một số loại quặng cho sản xuất đòi hỏi đầu vào cao song thực tế những loại khoáng sản này đa phần là những điểm mỏ nhỏ, chất lượng thấp, chế biến không hiệu quả...


Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Tại sao chưa thực hiện được đấu giá quyền khai thác khoáng sản?
Tại sao chưa thực hiện được đấu giá quyền khai thác khoáng sản?

Sau 5 năm thực hiện, nhiều chính sách về khoáng sản đã đi vào cuộc sống nhưng nhiều quy định vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử như quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 1, điều 79 Luật khoáng sản 2010, nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN