Tham dự sự kiện có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene, đại diện nhiều bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời nhờ sự phối hợp, hỗ trợ tích cực giữa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Giám đốc USAID Việt Nam với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thời gian qua. Các dự án của Chính phủ Hoa Kỳ giúp Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đánh giá cao việc triển khai dự án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan triển khai các hợp phần của dự án sẽ hợp tác tốt để dự án thực hiện hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp cho cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang trong tiến trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung quyết liệt cho xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và tiến tới nền kinh tế số, để tạo sự minh bạch hóa, tạo ra một Chính phủ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Thông báo về dự kiến cuối tháng 11/2019 sẽ khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng mong muốn có sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, USAID, để chứng kiến sự thay đổi, cải cách của Chính phủ Việt Nam.
“Nhiều dịch vụ công được triển khai trên mạng, người dân không tiếp xúc với các cơ quan, người thực thi công vụ, việc này giúp cho phòng, chống tham nhũng vặt theo tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Bộ trưởng cho rằng dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gắn kết quả quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể với việc nghiên cứu và cải cách theo ngành, cũng như gắn kết với chỉ đạo cải cách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, với nỗ lực thay đổi từ dưới lên, từ bản thân mỗi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh.
Thông qua cải cách về thể chế, về cơ chế chính sách để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, chi phí chính thức, không chính thức cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra sự thay đổi căn bản về khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế cũng như chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững và khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện tại cả nước có khoảng 730.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98%. Đóng góp của khu vực tư nhân là rất lớn, là động lực phát triển trong 10 năm tới, nhưng năng lực, khả năng tích tụ vốn đầu tư, đổi mới và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao còn hạn chế, khả năng tiếp cận đất đai, thị trường gặp nhiều khó khăn, thiếu khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
“Hiện chúng ta đang bị rời rạc trong một nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn của Việt Nam, nếu không lan tỏa, kết dính thì không tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển không bền vững, không huy động được hết các nguồn lực”, Bộ trưởng nêu rõ.
Nêu bài toán “con gà và quả trứng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp nước ngoài cho rằng doanh nghiệp trong nước không có đủ sản phẩm chất lượng, tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của họ; trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam trả lời rằng do không biết cách nào để tham gia chuỗi cung ứng nên không dám đầu tư.
Vì vậy, dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng, năng lực kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ đủ sức tham gia chuỗi giá trị.
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink đánh giá cao sự hợp tác giữa USAID với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy cải cách cho doanh nghiệp. Ông cho biết, mục tiêu của Hoa Kỳ là hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và độc lập, có thể đóng góp vào an ninh quốc tế, tham gia thương mại tự do, công bằng.
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink bày tỏ rằng Hoa Kỳ vinh dự trở thành một đối tác của Việt Nam, đầu tư vào sự thành công của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng đối với Hoa Kỳ, một trong những ưu tiên của nước này là thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại vững mạnh ở Việt Nam.
Cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai kinh tế của Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP, tạo ra 63% việc làm, nhưng có ít doanh nghiệp được kết nối vào chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nhận định, Việt Nam cần phát triển có chiều sâu các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì họ là xương sống của tăng trưởng kinh tế, và như vậy mới cải thiện được thu nhập cho người lao động và chủ doanh nghiệp.
Hoa Kỳ cam kết hợp tác giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thích ứng với nền kinh tế toàn cầu. Thông qua dự án, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam tăng cường các kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực và nhận thức của các doanh nghiệp.
Theo Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene, dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa có ngân sách 22,1 triệu USD, thực hiện đến năm 2023. Hiện tại dự án hỗ trợ các ngành điện tử và kim khí và sẽ mở rộng sang các ngành khác.
Dự án nhằm tạo ra sự thay đổi mang tính hệ thống trong mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi; tăng số lượng và chất lượng các kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp đầu chuỗi. Dự án phối hợp với các tổ chức trung gian của Việt Nam để thực hiện.
Dựa trên số liệu về dòng thương mại năm 2018, ông Michael Greene cho biết, ước tính tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước là 58 tỷ USD.
Dự án giúp cho Việt Nam có môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó, các bài học kinh nghiệm từ dự án sẽ giúp đề xuất cải cách thể chế hóa, đơn giản hóa quy định và thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo thuận lợi kinh doanh và tăng cường hội nhập quốc tế. Đồng thời, đự án xây dựng năng lực bền vững cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp thuộc khu vực công và tư.
Tham gia dự án, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi đang quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm; tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi; được hỗ trợ kỹ thuật về nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi.
Doanh nghiệp đầu chuỗi được kết nối với các nhà cung cấp là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã được đánh giá về khả năng cung ứng và hiểu về nhu cầu của doanh nghiệp đầu chuỗi; được cung cấp thông tin chi tiết hơn về dòng sản phẩm, khả năng, năng lực, năng suất của nhà cung cấp và điểm mấu chốt là giảm chi phí khi kết nối với các nhà cung cấp trong nước.