Theo đó, Cảng hàng không Điện Biên được quy hoạch là cảng nội địa có hoạt động bay quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Giai đoạn đến năm 2020, cảng có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm, với 3 vị trí đỗ tàu bay phục vụ các loại tàu bay A320, A321 và tương đương. Định hướng đến năm 2030, cảng có công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm với 6 vị trí đỗ tàu bay gồm 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và 3 vị trí cho tàu bay A320.
Cảng hàng không Điện Biên. Ảnh: Đình Trân/TTXVN |
Về khu bay, giai đoạn năm 2020, quy hoạch và nghiên cứu xây dựng mới đường cất, hạ cánh dài 2.400 m; một đường lăn đồng bộ với đường cất hạ cánh nối vào sân đỗ tàu bay dân dụng. Giai đoạn năm 2030, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống đường lăn nối vào sân đỗ tàu bay và một phần đường lăn song song từ đường lăn nối đường cất hạ cánh đến sân đỗ tàu bay.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, với hạ tầng hiện có, cảng hàng không này chỉ có thể khai thác được tàu bay ATR72 và tương đương trở xuống, không lắp đặt được đèn đêm và các trang thiết bị dẫn đường hiện đại theo hướng cất hạ cánh hiện tại, cũng không thể kéo dài đường băng vì vướng tĩnh không và các công trình di tích.
Trong khi đó, tàu bay ATR72 ngày càng ít sử dụng, số lượng tàu bay hạn chế. Các hãng hàng không chủ yếu tập trung phát triển các loại tàu bay A321 và tương đương trở lên. Do đó, việc điều chỉnh lại quy mô, chức năng của CHK Điện Biên là cần thiết để phù hợp với nhu cầu khai thác trong hiện tại và tương lai.
Còn theo Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), đơn vị đang khai thác đường bay đến Điện Biên, nếu có đường băng mới, trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại, khai thác được tàu bay to hơn, dịch vụ tốt hơn, chắc chắn thị trường sẽ tăng trưởng ít nhất 30%.