Nắng nóng ngày nào, nông dân thiệt hại ngày ấy

Đó là nỗi lo của nông dân Gia Lai trong cơn đại hạn bởi nắng nóng kéo dài ngày nào thì mức thiệt hại về các loại cây trồng tăng lên ngày ấy.

Do thời tiết nóng, lạnh thất thường ngay từ đầu vụ nên năng suất dưa hấu trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm 50% so với vụ năm ngoái, chỉ đạt từ 20 - 25 tấn/ha. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Diện tích cây trồng mất trắng tăng thêm, năng suất thu hoạch giảm vẫn tiếp diễn hàng ngày bởi cạn kiệt nguồn nước tưới trên các ao hồ, sông suối. Khó khăn chồng chất khó khăn. Người dân mong ngóng cơn mưa đầu mùa đến sớm để cứu vãn tình hình và trông chờ sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương để khôi phục lại sản xuất, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Đến thời điểm này, Gia Lai có gần 3.000 ha lúa bị hạn; trong đó hơn 1.600 ha mất trắng và phải dùng làm thức ăn cho đàn gia súc. Nếu như trong vòng 10 ngày tới, thời tiết ở Tây Nguyên không có mưa thì diện tích lúa bị hạn còn lại cũng chịu cùng chung số phận. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, song ước tính mức thiệt về cây lúa cũng đến cả trăm tỷ đồng và sẽ còn tăng lên trong những ngày tới. Chỉ trong vòng 7 ngày qua, diện tích lúa bị hạn đã tăng lên khoảng 1.000 ha và diện tích bị mất trắng tăng lên 600 ha.

Ia Băng là một trong những xã của huyện Đăk Đoa bị thiệt hại nặng nề nhất. Vụ sản xuất Đông Xuân 2015 - 2016 cả xã đã gieo trồng được 150 ha lúa nước nhưng đến thời điểm đều bị hạn và mất trắng, không còn khả năng cứu chữa. Ông Đặng Văn Lang - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, lường trước được tình hình về hạn hán, vụ này xã đã tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi hơn 70 ha lúa ở những chân ruộng thường xuyên thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác. Diện tích còn lại nằm trong vùng tưới của các công trình thuỷ lợi nhỏ đã tưởng ăn chắc nhưng vẫn không tránh khỏi cơn đại hạn. Mặc dù nông dân đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn đành bó tay nhìn cánh đồng khô héo.

Diện tích cây cà phê đang trong thời kỳ ra hoa kết trái cũng đang rơi vào tình trạng hạn nặng. Hiện có đến 4.000 ha cà phê thiếu nước tưới đợt 3 và đợt 4, tập trung nhiều nhất ở địa bàn các huyện: Chư Sê 2.000 ha, Chư Pưh 1.000ha, K'Bang 600ha, Ia Grai 500 ha... Mặc dù đến nay chưa có diện tích nào bị chết, song năng suất và chất lượng giảm mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của nông dân khi thu hoạch.

Giữ được vườn cà phê đến thời điểm này cũng là một cố gắng lớn của nông dân bởi phải đầu tư tiền của và công sức tìm kiếm nguồn nước tưới dặm để chờ mưa. Nhiều hộ đã đầu tư hơn 50 triệu đồng đào giếng sâu năm bảy chục mét nhưng cũng không có nước và phải tiếp tục dùng máy bơm khoan để khoan ngang tìm nguồn nước mạch; thậm chí phải kéo đường ống hàng trăm mét để lấy nước nhưng cũng chỉ là "chắp vá"...

Diện tích cây hồ tiêu cũng cùng chung số phận. Hiện 1.400 ha của tỉnh cũng đang bị hạn và chủ yếu tập trung ở 2 huyện trọng điểm Chư Sê và Chư Pưh. Mặc dù hầu hết diện tích tiêu bị hạn đều có khả năng cứu đến cuối vụ song không tránh khỏi năng suất và chất lượng giảm. Có những vườn tiêu giảm năng suất đến 30 - 40%. Cây mía và cây sắn là 2 loại cây trồng chịu hạn khá nhất nhưng cũng đã có đến 3.000 ha bị hạn. Năng suất của 2 loại cây trồng này trong vùng hạn cũng giảm từ 30 - 70%.

Các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cũng đã hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu mức thiệt hại cho nông dân trong cơn đại hạn. Tỉnh đã ưu tiên đầu tư chống hạn để bảo vệ 2 loại cây trồng chính là cà phê và hồ tiêu. Đây là 2 loại cây trồng kinh tế chủ lực có nguồn thu lớn và ổn định của nông dân. Các địa phương trong vùng bị hạn đều chủ động trích nguồn kinh phí hỗ trợ cho nông dân khai thác nguồn nước tưới ở những nơi có thể. Tỉnh cũng đang có kế hoạch hỗ trợ 31,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chính phủ triển khai thực hiện các phương án chống hạn và khôi phục sản xuất ở những vùng bị thiệt hại nặng; trong đó, dành 10 tỷ đồng chi mua xăng dầu bơm tưới chống hạn, 20 tỷ đồng nạo vét kênh mương, hồ đập, công trình cấp nước sinh hoạt và 1,5 tỷ đồng mua giống cây trồng cấp cho nông dân để chuẩn bị sản xuất vụ Mùa 2016 tới.


Văn Thông (TTXVN)
Tiền Giang oằn mình vì hạn hán, xâm mặn
Tiền Giang oằn mình vì hạn hán, xâm mặn

Mùa khô 2016, tại các cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang, mặn xuất hiện sớm, với độ mặn cao lấn sâu vào nội đồng, gây hậu quả nghiêm trọng đến mùa vụ hiện tại và sẽ khôn lường đến những vụ sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN