Trong số đó, có trên 11.000 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 28 tấn/ha và sản lượng trên 312.000 tấn quả cung ứng thị trường trong ngoài nước. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, trái sầu riêng được nâng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Hiệu quả tế cao
Sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Qua khảo sát, 70 - 80% sản lượng sầu riêng được xuất khẩu, chủ yếu vào thị trường Trung Quốc; trong đó, có khoảng 20% sản phẩm được chế biến trước khi xuất khẩu. Với giá bán cao từ 60.000 đồng/kg trở lên, mỗi ha sầu riêng hiện cho lợi nhuận hàng tỷ đồng - cao nhất trong các loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh.
Toàn vùng hình thành được 15 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, thu hút gần 16.000 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho nông sản hàng hóa. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho khoảng 2 vạn lao động nông nghiệp địa bàn vùng kiểm soát lũ.
Đi đầu trong liên kết chuỗi giá trị, Giám đốc Hợp tác xã chuyên canh sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc cho biết, hợp tác xã xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng cho các siêu thị Co.opmart, chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín như: Công ty TNHH Phạm Gia (Tiền Giang), Công ty cổ phần AMEII Việt Nam - Hà Nội chuyên xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Nhờ vậy, hợp tác xã luôn tiêu thụ sầu riêng cho nông dân với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 10 đến 15% nên người trồng rất phấn khởi.
Xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) nhờ tiên phong xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng hiệu quả cao được công nhận xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2015. Thị xã Cai Lậy có gần 6.500 ha vườn cây ăn quả, chủ yếu chuyên canh sầu riêng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.
Với hàng chục nghìn ha sầu riêng chuyên canh, huyện Cai Lậy đang phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt chuẩn và ra mắt huyện nông thôn mới… Đây chính là minh chứng về hiệu quả kinh tế - xã hội mà vùng chuyên canh sầu riêng mang lại cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân những địa bàn khó khăn trước đây phía đầu nguồn sông Tiền.
Thâm canh theo hướng GAP
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, địa phương giữ ổn định diện tích hiện có song song với tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích nông dân thâm canh theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP); tổ chức lại sản xuất… gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của trái sầu riêng đặc sản trên thị trường vừa an toàn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững cho vùng chuyên canh sầu riêng.
Đến năm 2025, sản lượng khoảng 360.000 tấn quả, có 25% diện tích được công nhận an toàn (VietGAP, GlobalGAP), 50% diện tích được cấp mã số vùng trồng và tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70 - 80% sản lượng.
Ông Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ, tỉnh đưa ra các nhóm giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sầu riêng gắn với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…
Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, tưới phun sương tự động tiết kiệm nước,…
Hiện nay, ước tính có 96,3% diện tích sầu riêng được cơ giới hóa khâu tưới nước, tăng gần 26% so thời điểm cách đây 5 năm (2017); diện tích sử dụng phân hữu cơ đạt trên 91%, sử dụng nấm Trichoderma.sp trong quá trình chăm sóc đạt gần 66%, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học chiếm 67,5% diện tích… Hàng năm, có gần 6.800 ha sầu riêng áp dụng kỹ thuật xử lý rải vụ theo ý muốn (sản xuất vụ nghịch) cho năng suất cao hơn và bán được giá, mang lai hiệu quả kinh tế cao hơn vườn cây chính vụ từ 1,7 đến 2,3 lần.
Toàn vùng cũng có gần 200 ha và sản lượng mỗi năm gần 6.000 tấn quả đạt tiêu chí VietGAP. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy - địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng lớn nhất tỉnh, mở ra một tương lai mới cho sự phát triển bền vững của cây ăn quả đặc sản đang giúp nông thôn vùng lũ Tiền Giang giàu đẹp hẳn lên.
Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu được đẩy mạnh đã tháo gỡ điểm nghẽn về đầu ra cho vùng chuyên canh sầu riêng. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang… chủ động kết nối cung cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho trái sầu riêng thông qua các kênh phân phối lớn như: siêu thị, trung tâm thương mại (Big C, Co.opmart, Vinmart, Bách Hóa Xanh…), Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Ngoài ra, tỉnh quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên canh sầu riêng tìm kiếm cơ hội làm ăn tại các hội chợ kết nối cung - cầu hàng hóa; phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trái sầu riêng.
Đồng thời, địa phương cũng nắm bắt thời cơ khi trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới để xuất chính ngạch. Toàn vùng đã được cấp 2 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100 ha. Tỉnh đang tiếp tục nộp hồ sơ, chờ thẩm định trong những ngày tới 21 hồ sơ với khoảng 1.100 ha, ước sản lượng không dưới 30.000 tấn quả.
Đáng mừng là tín hiệu vui từ xuất khẩu chính ngạch giúp giá sầu riêng niên vụ 2022 - 2023 tăng mạnh. Hiện thương lái thu mua tận vườn sầu riêng đầu vụ từ 75.000 đến 80.000 đồng/kg. Mỗi ha nông dân lãi ròng trên 1 tỷ đồng nên ai cũng phấn khởi.
Tỉnh triển khai dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, nhằm nâng cao giá trị trái sầu riêng thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng khoa học công nghệ, gắn kết sản xuất và kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Mặt khác, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kỹ năng thương mại cho các hợp tác xã; hình thành phương thưc sản xuất - tiêu thụ mới thông qua hợp đồng, nhân rộng mô hình Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp... Từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân vùng chuyên canh và các đối tượng tham gia chuỗi liên kết; thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp địa bàn kiểm soát lũ phía Tây theo hướng định hình nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và nông dân làm giàu.