Theo số liệu thống kê chính thức của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 25/5, tình trạng suy thoái của nền kinh tế nước này đang trở nên trầm trọng hơn dự đoán ban đầu. Số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nằm ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã suy giảm 0,3% trong quý I vừa qua.
Trên thực tế, kinh tế Anh đang trong tình trạng suy thoái khi bị sụt giảm hai quý liên tiếp. Ba tháng cuối năm 2011, nền kinh tế "xứ sở Sương mù" cũng suy giảm 0,3%.
Tình trạng suy thoái của nền kinh tế Anh đang trở nên trầm trọng hơn dự đoán ban đầu. Ảnh: Internet |
Cùng ngày, ONS cho biết chi tiêu của các hộ gia đình ở Anh cũng có chiều hướng giảm, khi chỉ tăng 0,1% trong quý đầu năm nay so với mức tăng 0,4% của 3 tháng cuối năm ngoái. Chi tiêu gia đình bị tác động mạnh bởi lạm phát cao, tốc độ tăng lương chậm và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Nhà kinh tế học Scott Corfe đến từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh, cho biết các dữ liệu trên là "tin dữ" đối với các nhà hoạch định chính sách Vương quốc Anh, cho thấy nền kinh tế nước này đang rơi vào suy thoái tồi tệ hơn bao giờ hết. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh thì cho rằng thật là khó để nền kinh tế nước này tăng trưởng trong bối cảnh phần lớn các nước châu Âu đang phải vật lộn với nợ công và khủng hoảng tài chính trầm trọng. Tuy nhiên, Công đảng đối lập ở Anh lại cho rằng nền kinh tế đất nước đã bị tác động nghiêm trọng bởi chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính phủ liên minh đề ra.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo Chính phủ Anh nên sẵn sàng để cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng nếu cần thiết, đồng thời Ngân hàng Anh cần xem xét tiếp tục cắt giảm tỉ lệ lãi suất vốn đã ở mức thấp kỷ lục.
IMF cũng đánh giá cao chính sách cắt giảm chi tiêu mạnh tay của quốc gia này, và dự báo kinh tế Anh có thể trở lại mức tăng trưởng khiêm tốn trong nửa cuối năm 2012, khi cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu lắng dịu.
Anh đã thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ hồi cuối năm 2009, nhưng lại rơi trở lại suy thoái trong quý cuối năm ngoái, trước tác động của các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Luân Đôn thực hiện, và cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone, vốn là đối tác thương mại chủ chốt của Anh.
Liên minh Dân chủ-Tự do bảo thủ Anh đã thực hiện các chính sách cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, sau khi phải gánh chịu khoản thâm hụt kỷ lục từ chính phủ Công đảng tiền nhiệm.
TTXVN/Tin tức