Xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu là xã bị ảnh hưởng lớn bởi dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, phòng chuyên môn và chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để xử lý lợn chết và hướng dẫn người dân cách khử khuẩn.
Trên địa bàn xã Sùng Phài hiện có trên 3.600 con lợn. Bệnh dịch xuất hiện từ đầu tháng 8 tại các bản Gia Khâu I sau đó lây sang các bản khác. Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân tái nhiễm bệnh ở các bản thuộc xã Sùng Phài là do mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tồn tại ngoài môi trường từ các ổ dịch cũ từng xảy ra trên địa bàn xã năm 2020; một số con lợn nhiễm mầm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bài tiết virus ra ngoài môi trường kết hợp với các hoạt động khác của con người như vận chuyển, buôn bán. Bên cạnh đó, thời tiết đang chuyển sang nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, sức đề kháng của con vật giảm…
Từ đầu năm đến nay, thành phố Lai Châu có 90 con lợn với tổng trọng lượng 5.285kg bị chết do bệnh tả lợn châu Phi. Xác định phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là việc làm thường xuyên, liên tục, ngay từ đầu năm Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lai Châu đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng; trong đó, triển khai tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ vào dịp Thu Đông; thực hiện 2 đợt phun tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường.
Anh Mai Hoàng Nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lai Châu cho biết, ngay sau khi có kết quả, Trung tâm đã lập báo cáo nhanh gửi UBND thành phố Lai Châu và đề nghị Phòng Kinh tế thành phố tham mưu UBND thành phố công bố dịch theo quy định. Đồng thời, tạm ứng thuốc 49 lít sát trùng, gần 300kg vôi bột và các vật tư hoá chất kèm theo để xử lý các ổ dịch. Mặt khác, trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện “5 không” (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt); đồng thời, hướng dẫn các hộ chấp hành nghiêm quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y.
Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 113 hộ, hợp tác xã/13 bản ở 6 xã thuộc huyện Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu. Tổng số lợn chết, tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh 837 con với trọng lượng 37.813 kg. Hiện toàn tỉnh còn 2 ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi tại huyện Phong Thổ và thành phố Lai Châu chưa qua 21 ngày.
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho hay, nhằm không để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, chi cục đã cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh và phối hợp với chính quyền cơ sở điều tra dịch tễ; đồng thời, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm để chẩn đoán dịch bệnh; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh tại ổ dịch và những khu vực lân cận để kịp thời tham mưu, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan ra diện rộng.
Cùng đó, chi cục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh bắt buộc như: cách ly gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; hướng dẫn phác đồ điều trị đối với từng bệnh; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi; dọn vệ sinh cơ giới và phun tiêu độc khử trùng môi trường tại những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cấm xuất nhập động vật ra khỏi vùng dịch; hướng dẫn chôn lấp, tiêu hủy động vật mắc bệnh đảm bảo theo quy định phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các hộ chăn nuôi cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh dịch; tuyệt đối không chủ quan hay dấu dịch; quyết tâm không để dịch lây lan trên diện rộng.