Theo đó, sẽ tạm dừng quy định cấm tổ chức tín dụng (TCTD) được mua lại TPDN trong vòng 1 năm sau khi bán. Cụ thể: Thông tư số 03 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN.
Đại diện NHNN cho biết: Việc ban hành Thông tư số 03 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/4.
Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) được mua lại TPDN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (TPDN chưa niêm yết) mà TPDN đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi có các điều kiện đi kèm.
Cụ thể: Doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Cùng với đó, bên mua TPDN này từ TCTD thanh toán toàn bộ số tiền mua TPDN tại thời điểm TCTD ký kết hợp đồng bán TPDN cho bên mua trái phiếu.
Nhiều chuyên gia tài chính cho biết: Các ngân hàng được tham gia sâu hơn trong việc mua bán lại TPDN kể từ ngày 24/4 sẽ góp phần thúc đẩy cho thị trường bất động sản. Từ đó, các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn từ kênh trái phiếu thuận lợi hơn. Thông thường, các doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 20% lượng phát hành trái phiếu trên thị trường Việt Nam nhưng hiện là lĩnh vực đang gặp khó khăn nhiều nhất.
Trước đó, ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần AZfin Việt Nam, việc ngân hàng được mua lại TPDN sẽ phần nào gỡ khó cho các doanh nghiệp có trái phiếu phát hành thuộc đối tượng quy định của NHNN, từ đó giảm bớt căng thẳng, áp lực đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nói riêng và toàn bộ thị trường tài chính nói chung. “Tuy tác động không quá nhiều đến thị trường trái phiếu, nhưng nhìn chung đây là một tín hiệu tích cực, ‘cởi trói’ của NHNN cho các ngân hàng tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu, từ đó thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển tốt hơn cùng với các biện pháp khác”, ông Đặng Trần Phục cho biết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ việc NHNN cho phép các ngân hàng được phép mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM (sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán).
Tuy nhiên, để thực hiện việc này, chuyên gia này cho rằng, cũng bao gồm một số điều kiện. Theo đó, khi doanh nghiệp đang có khoản nợ tại ngân hàng, dư nợ của doanh nghiệp không thể vượt quá 15% vốn chủ sở hữu, ngân hàng không được dùng việc mua trái phiếu để đảo nợ và việc mua bán này cần phải tính chung vào dư nợ của doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Các TCTD.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất và trái chủ được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn..
HoREA cho rằng, các NHTM có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia xử lý TPDN sắp đáo hạn nhưng lại không được phép mua lại TPDN do “vướng” quy định tại điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN.
“Nếu có cơ chế, chính sách gỡ khó cho các TCTD thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và các ‘trái chủ’ và hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, đại diện HoREA cho biết.