Theo số liệu thống kê ngày 12/1, Ngân hàng trung ương Nga đã bán ra 76,1 tỷ USD và 5,4 tỷ euro để hỗ trợ đồng ruble trong năm 2014. Năm ngoái, đồng nội tệ của Nga đã giảm 41% giá trị so với đồng USD và giảm 34% so với đồng euro, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và tình trạng lao dốc của giá dầu mỏ trên thị trường.
Ngân hàng Trung ương Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn đà giảm giá của đồng ruble.
|
Để ngăn chặn đà giảm giá của đồng ruble, Ngân hàng trung ương Nga đã thực hiện các đợt can thiệp rất lớn, khi lần lượt tung ra 22,3 tỷ USD vào tháng 3/2014, 27,2 tỷ USD vào tháng 10/2014 và 11,9 tỷ USD vào tháng 12/2014, thời điểm giá dầu thô giảm mạnh.
Trong tháng 12/2014, sự mất giá của đồng ruble đã gây ra tình trạng hốt hoảng với nhiều người dân Nga vội chuyển đổi các khoản tiền tiết kiệm của họ sang đồng euro và USD. Đỉnh điểm trong tháng này là việc đồng ruble mất tới 1/4 giá trị chỉ trong hai ngày 15-16/12. Sau đó đồng ruble đã ổn định hơn nhưng vẫn yếu trong đầu tháng 1/2015, trong bối cảnh giá dầu tiếp tục giảm. Cũng trong tháng 12/2014, dự trữ ngoại tệ của Nga đã lần đầu tiên trong 5 năm giảm xuống dưới 400 tỷ USD.
Trong một thông tin liên quan, Ngoại trưởng Latvia, Edgars Rinkevics cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ khi có những "tiến triển thực sự" trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn đạt được từ 4 tháng trước. Ông Rinkevics cũng không loại trừ khả năng EU sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu thỏa thuận ngừng bắn không được thực thi.
Trà My(Theo Reuters)