Ngân hàng Nhà nước giữ thế chủ động trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đaị học Quốc gia Hà Nội (VEPR), Ngân hàng Nhà nước đang giữ thế chủ động trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối, đạt được mục tiêu ổn định tỷ giá.

Cũng theo nhận định của nhóm nghiên cứu VEPR, trong quý I, tỷ giá diễn biến tương đối sát với biến động trên thị trường thế giới. Cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đều biến động trong hai tháng đầu năm và ổn định trở lại vào cuối tháng Ba. Theo đó, tỷ giá chịu ảnh hưởng lớn bởi các sự kiện lớn tại Mỹ như việc ông Donald Trump chính thức nhậm chức và việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Báo cáo mới đây của Công ty Chúng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, diễn biến tỷ giá trong quý I nhìn chung ổn định. Có một vài thời điểm tỷ giá tăng khá mạnh nhưng đợt tăng chỉ diễn ra trong vài ngày và nhanh chóng hạ nhiệt.
Nhóm nghiên cứu của BVSC cho rằng, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới có xu hướng giảm mạnh trong quý I.

Đây cũng là diễn biến khá bất ngờ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang trong tiến trình tăng lãi suất trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Khi đồng đô la Mỹ giảm sẽ dẫn đến tỷ giá trung tâm có xu hướng tăng nhẹ.

Từ đầu tháng Tư trở lại đây, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng. Điều đáng nói, diễn biến về giá đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại thường xuyên ngược chiều với tỷ giá trung tâm. Rõ ràng, thời gian vừa qua tỷ giá trung tâm diễn biến chủ yếu theo xu hướng tăng nhưng tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh liên tục được điều chỉnh giảm và có xu hướng ổn định. Tại Vietcombank, giá đồng bạc xanh đã “rẻ” đi khoảng 65 đồng kể từ đầu tháng Tư đến nay.

Hiện tỷ giá trung tâm đang được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.320 VND/USD, tăng 44 đồng so với ngày 1/4. Còn tại Vietcombank, giá đồng bạc xanh đang được giao dịch ở mức 22.655 – 22.725 USD/VND (mua vào – bán ra).

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế xác định tỷ giá mới dựa trên 8 đồng tiền tham chiếu khiến tỷ giá trung tâm không quá phụ thuộc vào diễn biến đồng đô la Mỹ, dẫn tới xu hướng biến động ngược chiều giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá trên thị trường.

Nhóm nghiên cứu thuộc BVSC cũng khuyến cáo, mặc dù có diễn biến tương đối ổn định nhưng tỷ giá trong năm nay rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như đô la Mỹ, Euro và đặc biệt là đồng Nhân dân tệ sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Còn tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I mà Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vừa công bố có nhận định, trong năm 2017 việc Fed tăng lãi suất chưa gây áp lực lên tỷ giá bởi hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ vẫn nghiêng về việc nắm giữ tiền đồng.

Tuy nhiên, về dài hạn, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia khuyến cáo, cần lưu ý biến động của đồng Nhân dân tệ. Việc mất giá mạnh của đồng tiền này sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng. Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Lãi suất huy động 'giảm nhiệt' sau 'trấn an' của Ngân hàng Nhà nước
Lãi suất huy động 'giảm nhiệt' sau 'trấn an' của Ngân hàng Nhà nước

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, chỉ sau một thời gian ngắn tăng nhẹ lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) như: MaritimeBank, DongABank, VietBank, VIB… mới đây đã giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, với mức giảm từ 0,1- 0,3%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN