Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng lo ngại: Nhiều ngân hàng đang thừa vốn nên dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp cũng không dám vay để mở rộng sản xuất nếu không có thêm giải pháp kích cầu và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp mong giảm lãi suất cho vay
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, tín dụng tính đến ngày 13/3 vẫn tăng trưởng âm 1,05% so với cuối năm 2013. Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, khi tiền thừa tăng lên, một số ngân hàng đã phải dùng tiền thừa tạm thời để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Theo đó, hệ thống ngân hàng đã mua 78.000 tỷ đồng TPCP so với tổng lượng chào thầu là 95.000 tỷ đồng.
Hoạt động nghiệp vụ tại phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quách Lắm - TTXVN |
Tuy nhiên, mức chênh lệch lãi suất của TPCP so với mức lãi suất đã huy động từ dân cư không tạo ra nhiều lợi nhuận cho ngân hàng. “Chính vì vậy, NHTM buộc phải giảm chi phí đầu vào, tức là giảm lãi suất huy động”, ông Trung nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) cho rằng: Việc tín dụng tăng trưởng âm chỉ là tạm thời. Thông thường đầu năm, tăng trưởng tín dụng chịu ảnh hưởng yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhu cầu vay vốn hạn chế. “Phải hết quý 1/2014 mới đánh giá được tình hình tăng trưởng tín dụng như thế nào”, đại diện Sacombank nhận định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để tăng trưởng tín dụng, điều quan trọng nhất là phải khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương (Bộ Công Thương) không khỏi lo ngại về tình trạng đọng vốn do tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. “Để khơi thông dòng vốn đến doanh nghiệp, Chính phủ đã có những chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, cần giảm tiếp lãi suất cho vay và nới lỏng điều kiện vay hơn nữa cho doanh nghiệp”, ông Phương đề xuất. Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ hy vọng: Vốn tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh vào quý 3, quý 4 và tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt chỉ tiêu đề ra 12 - 14%.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm. |
Ngay sau khi NHNN có quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động thêm 1%, một số ngân hàng đã ra thông báo giảm lãi suất đầu vào và cả đầu ra. Để hạn chế ứ đọng vốn, một số NHTM đang tung ra thị trường các gói tín dụng với lãi suất thấp nhằm kích thích cho vay. Theo đó, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) ưu đãi cho vay mua nhà dự án. Khách hàng vay mua nhà dự án tại VietinBank có thể được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ 8%/năm trong thời gian lên đến 6 tháng. Thời gian kết thúc đến hết tháng 10/2014.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn cao. Chỉ những lĩnh vực ưu tiên vay vốn với lãi suất 7 - 9%, còn lại doanh nghiệp vẫn đang vay vốn với mức lãi suất phổ biến từ 9 - 11,5%.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất cho vay đã giảm song vẫn còn cao gần gấp đôi so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Hiện lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ từ 6 - 7%/năm. Nếu vay vốn lãi suất cao hơn chắc chẵn sẽ thua lỗ. Do dó, cần giảm thêm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có thể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, cho dù lãi suất huy động đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm song điều đó không có nghĩa lãi suất cho vay sẽ giảm ngay. Do đó, các ngân hàng còn phải tiêu hết vốn cũ được huy động ở mức cao thì mới tính đến chuyện giảm nên việc giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay phải chờ thêm từ 1 - 2 tháng nữa.
Ngân hàng lo nợ xấu
Không chỉ băn khoăn về lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều kiện cho vay cũng là trở ngại. Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng đều cho rằng,mặc dù đầu ra của vốn rất khó khăn nhưng ngân hàng sẽ chỉ “mở hầu bao” cho doanh nghiệp đạt được các điều kiện vay. Ngoài tiêu chí có tài sản đảm bảo đúng với quy định, doanh nghiệp còn phải có dòng tiền ra - vào tốt. Ông Trung cho biết, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện cho vay sẽ có nhiều ngân hàng săn đón, cạnh tranh cho vay với lãi suất thấp. “Khi doanh nghiệp để nợ xấu phình ra thì các ngân hàng cũng phải thắt chặt cho vay để đảm bảo an toàn. Đó là một trong những hành xử đúng của hệ thống ngân hàng thời điểm này”, đại diện VIB nói.
Lãnh đạo một NHTM cho biết, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng được thu từ tín dụng nên các ngân hàng đều muốn cho vay. Nếu không tìm kiếm lợi nhuận từ tín dụng thì các ngân hàng khó đạt được chỉ tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, các NHTM đều khẳng định, dù khó khăn trong việc cho vay nhưng họ kiên quyết không nới lỏng điều kiện cho vay để đảm bảo hạn chế phát sinh nợ xấu.
Không ít các chuyên gia cho rằng, lãi suất giảm không phải là biện pháp “cứu cánh” duy nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Để giải quyết bài toán này, chúng ta phải sớm nới room (giới hạn cho vay) trên thị trường chứng khoán để thu hút các nguồn vốn khác; đẩy mạnh đầu tư công... Chính phủ cần có giải pháp kích thích tài chính công, khuyến khích thị trường phát triển thì doanh nghiệp mới dám vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Minh Phương - Đức Kiên