Tín dụng nền kinh tế tăng nhẹ
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK), tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại. Tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3/2024 tăng 0,98%) sau 2 tháng tăng trưởng âm. Như vậy, sau gần 3 tháng, tín dụng đã tăng so với thời điểm cuối năm 2023.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 25/3, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.
Tuy nhiên, tình hình huy động vốn tại ngân hàng trong quý I/2024 giảm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống. Tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái, huy động tăng 1,17%.
Theo cập nhật mới nhất trong ngày 1/4, biểu lãi suất tiền gửi mới được Vietcombank niêm yết như sau: Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống còn 1,6%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 2,0%/năm xuống còn 1,9%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 3,0%/năm xuống còn 2,9%/năm; lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 3,0%/năm xuống còn 2,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 - 36 tháng được Vietcombank giữ nguyên ở mức 4,7%/năm.
Tại VietinBank, mức lãi suất tiền gửi dao động khoảng 1,7 - 4,8%/năm; BIDV hiện niêm yết mức lãi suất tiền gửi dao động khoảng 1,7 - 4,7%/năm; Agribank niêm yết mức lãi suất tiền gửi dao động khoảng 1,6 - 4,7%/năm.
Nguồn vốn ưu đãi được xem là "đòn bẩy" hỗ trợ doanh nghiệp
Tổng cục trưởng TCTK, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7%. Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của TCTK, 82% doanh nghiệp dự báo: Hoạt động sản xuất kinh doanh quý II sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, việc các Bộ, ngành tiếp tục Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng là yếu tố giúp gia tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I.
Cùng với đó là việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức được áp dụng từ tháng 7/2023 và trong năm 2024 có tác động tích cực đến kích cầu chi tiêu của người dân và góp phần thay đổi thói quen chi tiêu trong thời kỳ COVID-19. “Đây là dư địa để triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm thu hút nguồn thu nhập tăng lên của người dân”, Tổng cục trưởng TCTK nhận định.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức 2/4, đại diện PVcomBank cho biết: Bên cạnh việc lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức ổn định, nhu cầu tiêu dùng gia tăng đã giúp doanh nghiệp có thêm yếu tố thuận lợi để sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh này, nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại được xem như “đòn bẩy” quan trọng.
“PVcomBank đang triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô 15.000 tỷ đồng kéo dài đến hết tháng 1/2025. Khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: Vay sản xuất kinh doanh; vay mua xây sửa nhà…; đồng thời linh hoạt phương án trả nợ trong thời gian vay”, ông Ngô Đăng Hoan - Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân PVcomBank cho biết. Ở phân khúc doanh nghiệp m.SME, tiểu thương, hộ kinh doanh…, khách hàng có thể tiếp cận để bổ sung nguồn vốn lưu động nhằm sản xuất kinh doanh với thời gian vay lên tới 10 năm.
Bên cạnh ưu đãi lãi suất, khách hàng có nhu cầu vay mua xây, sửa nhà có thể vay tới 85% giá trị tài sản bảo đảm (tối đa 20 tỷ đồng) với thời gian vay đến 30 năm. “Thị trường bất động sản đã ghi nhận một số tín hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhưng phân khúc này vẫn còn bỏ ngỏ khá nhiều do thiếu nguồn tín dụng phù hợp. Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng của PVcomBank sẽ tạo điều kiện người dân có cơ hội sở hữu nhà ở với chi phí hợp lý”, ông Ngô Đăng Hoan - Phó Giám đốc khối Khách hàng cá nhân PVcomBank cho biết.
Trong những tháng đầu năm nay, ABBank đã có hàng loạt chương trình ưu đãi từ hỗ trợ lãi suất cho đến các gói phí hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Hành động này thể hiện sự cam kết đồng hành của ABBank với cộng đồng doanh nghiệp SME - lực lượng chiếm trên 97% số doanh nghiệp cả nước, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.
Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết: “Khi sản phẩm tài chính của các ngân hàng đã phát triển ở mức gần như tương đồng, sự am hiểu sâu sắc của ngân hàng về ngành nghề và đặc thù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính là sự khác biệt để doanh nghiệp lựa chọn gắn bó. ABBank chọn cách thức tiếp cận theo chiều sâu thay vì chỉ hướng đến mở rộng quy mô tiếp cận các doanh nghiệp”.
Với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong ngành Dược & Trang thiết bị y tế, ABBank đã giới thiệu gói giải pháp tài chính tổng thể dựa trên đặc thù của ngành Dược như: Về mặt tín dụng, được cấp hạn mức tín dụng không yêu cầu tài sản bảo đảm, được tài trợ lên đến 90% giá trị hợp đồng kinh tế, tỷ lệ cho vay đối với tài sản là quyền đòi nợ lên đến 85%. Về mặt giao dịch, doanh nghiệp được hỗ trợ tới 50% phí thanh toán quốc tế, phí bảo lãnh trong nước/cam kết thu xếp tài chính cùng với ưu đãi tỷ giá.
MSB vừa nâng cấp gói tài khoản M-Smart, gia tăng lợi ích cho khách hàng trong giao dịch thương mại điện tử; đồng thời tích hợp ưu đãi vận chuyển vào Gói tài khoản này. Theo đó, MSB đã hợp tác với Công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm (GHTK) nhằm mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng của 2 bên. Cụ thể: MSB và GHTK sẽ thông qua chương trình tích hợp ưu đãi vận chuyển vào Gói tài khoản doanh nghiệp M-Smart. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được giảm cước phí vận chuyển hàng hóa lên đến 30% so với biểu phí tiêu chuẩn áp dụng trong từng thời kỳ của GHTK...
Phía Agribank vừa dành 60.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho vay sản xuất và tiêu dùng. Cụ thể: Agribank dành khoảng 50.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 3%/năm và Agribank dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân với lãi suất từ 4% /năm.
Đối tượng áp dụng chương trình 50.000 tỷ đồng là khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Lãi suất thấp hơn tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh tương ứng với từng kỳ hạn theo quy định của Agribank từng thời kỳ; lãi suất từ 3%/năm với khoản vay đến 3 tháng; lãi suất từ 3,5%/năm với khoản vay trên 3 đến 6 tháng; lãi suất từ 4%/năm với khoản vay trên 6 đến 12 tháng.
“Ngoài việc giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chính sách liên quan đến giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí về mặt tiếp cận tín dụng của ngân hàng”, bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:
Triển vọng hồi phục tích cực
Mặc dù GDP quý I/2024 chỉ tăng 5,66%, song tôi vẫn tin tưởng, tăng trưởng năm nay sẽ đạt mục tiêu từ 6 - 6,5% đã được Quốc hội đề ra.
Mức tăng trưởng GDP quý I tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019 nhưng cũng phản ánh những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp.
Xuất khẩu cũng đã tăng trở lại. Quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Xuất khẩu tăng, thặng dư thương mại được duy trì cao; nhu cầu tại các thị trường chính phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng dần.
Bốn động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ , thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đều khả quan. Thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực khoảng 13% từ đầu năm, các nhóm ngành tăng trưởng âm trong năm trước đều phục hồi mạnh. Đáng chú ý, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi.
Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính cũng đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Việc tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện.