Ngân hàng trút 'gánh nặng' thanh khoản

Thông tin Ngân hàng nhà nước (NHNN) gia hạn dừng huy động vàng sau ngày 25/11, nhiều ngân hàng (NH) đã thở phào nhẹ nhõm vì trút được “gánh nặng” nỗi lo thanh khoản, đồng thời tránh được “cơn sóng” giá vàng do lượng cầu tăng mạnh. Dù vậy, các NH vẫn tranh thủ huy động vàng vì thời gian gia hạn chỉ được thêm vài tháng.

 

Nỗi lo thanh khoản vàng


Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã mua hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, số còn thiếu để tất toán khoảng 20 tấn (hơn 520.000 lượng vàng). Trong đó, riêng ACB, hiện trạng thái “âm” vàng là gần 100.000 lượng, Eximbank 26.000 lượng. Còn lại là của một số nhà băng khác. Điều này đã gây áp lực lên thanh khoản và tạo ra diễn biến bất lợi cho thị trường vàng. Vì vậy, các NH này rất cần thêm thời gian để thu xếp.


 

Khách hàng mua bán vàng tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội (27 Phan Đình Phùng, Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Một số chuyên gia cho biết, để đủ số vàng tất toán, các ngân hàng trên cần thêm 2 tháng mua vào với tốc độ như thời gian qua. Chính vì vậy, NHNN đã gia hạn cho tổ chức tín dụng, NH được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động vốn ngắn hạn bằng vàng. Mặt khác, thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013. Đồng thời, chứng chỉ huy động phát hành mới không được chi trả trước hạn.


Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chỉ được phát hành thêm chứng chỉ huy động ngắn hạn khi số vàng tồn quỹ và thu nợ không đủ để chi trả, tổng khối lượng huy động tối đa không vượt quá tổng khối lượng vàng sử dụng (ngoại trừ các khoản chuyển đổi vàng thành tiền theo Thông tư 32/2011/TT - NHNN và các khoản bán vàng kỳ hạn) theo nguyên tắc tổng khối lượng vàng huy động phải giảm dần.


Đây là lần thứ hai NHNN hoãn việc dừng huy động vàng của các NH, điều này đã giúp các NH nới được “gọng kìm” thanh khoản đang bị siết chặt. Theo đó, cuộc chạy đua huy động chứng chỉ vàng ở các NH trên lại tiếp tục tái diễn với lãi suất 1,6%, kỳ hạn 2 tháng. Cụ thể, ACB ngoài giữ nguyên mức lãi suất 1,4% mỗi năm, NH còn có chính sách thưởng thêm 0,2% mỗi năm lãi suất cho các khoản gửi từ 30 lượng trở lên.


Tại Eximbank, lãi suất chứng chỉ vàng cao nhất là 1,6% một năm cho kỳ hạn 3 tuần trong chương trình “kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng”. Với Ngân hàng Việt Á, hiện vẫn còn huy động vàng với kỳ hạn tối đa 2 tháng, lãi suất cao nhất là 1,6% khi khách gửi từ 100 lượng trở lên.


Ngoài tăng cường huy động vàng, các NH vẫn tiếp tục tranh thủ mua thêm vàng để bù số vàng bị hụt. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, với tốc độ mua bình quân mỗi ngày 3.000 lượng, NH có thể tất toán trạng thái hợp đồng vàng đúng hạn.


Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra thì sẽ gây áp lực lớn lên giá vàng, gây méo mó thị trường. Cũng theo ông Toại, trước đây khi cho phép triển khai hoạt động cho vay và huy động, các NH không hề biết trước sẽ phải chấm dứt nghiệp vụ này. Chính vì vậy, quy định chỉ trong thời gian ngắn buộc phải tất toán tất cả khiến các NH khó kịp trở tay.

 

Có nên nhập vàng khối?


Thực tế cho thấy, thời gian qua giá vàng trong nước liên tục biến động, cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân do khan hiếm “ảo” vàng SJC, cộng với việc thu mua vàng của các NH khiến thị trường vàng bị xáo trộn. Trước tình hình trên, ngày 30/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị NHNN nghiên cứu giải pháp cho phép tạm xuất vàng miếng và tái nhập vàng khối theo đề xuất của các đơn vị kinh doanh vàng.


Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện một số ngân hàng và doanh nghiệp đang tồn một lượng vàng lớn với nhiều thương hiệu khác nhau, đã được NHNN cho phép dập thành vàng miếng SJC. Nhưng máy móc của SJC không đủ sức để kiểm định nhanh chóng tất cả số vàng bị tồn, gần 400.000 lượng, vì vậy một số doanh nghiệp đã đề xuất các cách thức để nhanh chóng chuyển đổi được.


Do đó, việc tạm xuất vàng miếng và tái nhập vàng khối giúp đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng vàng của các thương hiệu khác khi thực hiện chuyển đổi sang thương hiệu SJC, đảm bảo cung ứng đủ nguồn cung vàng cho thị trường, góp phần kéo giảm chênh lệch giá vàng, giảm thiệt hại cho các tổ chức tín dụng và người dân.


Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh còn đề xuất NHNN chấp thuận kiến nghị của Công ty SJC liên quan đến việc cấp giấy phép mở (không xác định về số lượng và thời gian dài hơn), để thuận lợi trong việc sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC từ nguồn vàng SJC móp méo, không đủ tiêu chuẩn lưu thông nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.


Bởi trong những năm gần đây, trước bối cảnh giá vàng biến động mạnh, hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt hiện tượng cho vay vàng để đầu cơ diễn ra phổ biến với quy mô lớn, không những làm tăng rủi ro cho các tổ chức tín dụng mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường vàng. Chưa kể, tình trạng xuất hiện vàng giả, nhái thương hiệu SJC ngày càng nhiều.


Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây không phải là việc đơn giản, dễ làm vì sẽ vướng về mặt pháp lý. Theo Nghị định 24, chỉ NHNN mới được phép xuất nhập khẩu vàng. Nếu NHNN muốn làm việc này, thì phải thông qua một hợp đồng ủy thác rất phức tạp. Mặt khác, chính doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí dập, NHNN sẽ không đứng ra chịu các chi phí này, vì đây là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.


Trong khi đó, lượng vàng trong dân vẫn còn khá lớn, vì thế chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đề nghị NHNN nên lập kế hoạch cụ thể làm thế nào để huy động được lượng vàng trong dân. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp, đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội quốc gia, đồng thời góp phần bình ổn giá vàng hiện nay.



Hải Yên

Xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

“Chính phủ cần tập trung xử lý nợ xấu thì mới có thể giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của ngân hàng”. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về một số giải pháp để xử lý tình trạng nợ xấu hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN