Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát nhưng các đơn vị cần tiếp tục bám sát thực tiễn, đánh giá toàn diện và đi vào cụ thể tác động của dịch bệnh khi chuyển sang trạng thái mới.Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phải đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế của đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp này trên cơ sở đánh giá, rà soát lại toàn bộ những nhiệm vụ đã triển khai thời gian vừa qua và những nhiệm vụ triển khai trong bối cảnh mới để đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển kinh tế.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, bối cảnh dịch bệnh cho thấy COVID-19 không khiến tất cả đều màu xám,"trong nguy có cơ", chẳng hạn như "cú hích" trong lĩnh vực thương mại điện tử và khả năng sản xuất thiết bị y tế của ta rất tốt. Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực rất lớn, số liệu xuất khẩu tại nhiều thị trường vẫn tăng trong những tháng vừa qua.
Thứ trưởng biểu dương thành công trong việc giữ ổn định tại thị trường trong nước và khẳng định, đây là tiền đề quan trọng nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao việc Bộ Công Thương đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đồng tình với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khi đánh giá việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và kiểm tra, giám sát tốt thị trường của Bộ Công Thương giai đoạn vừa qua đã góp phần không nhỏ trong thành tựu kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, để khôi phục sản xuất kinh doanh phải có hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp thông qua gói hỗ trợ "đầu vào", "đầu ra". Do đó, nếu thời gian tới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Quốc hội phê chuẩn, Vụ Chính sách thương mại đa biên và Vụ Thị trường ngoài nước cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và khai thác tốt những cơ hội từ Hiệp định này. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi số.
Theo ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), thời gian qua, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình thị trường để chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định cũng như triển khai hàng loạt giải pháp nhằm vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Không những thế, việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường được thực hiện tốt, bảo đảm trật tự thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Lũy kế từ 31/1 - 23/4/2020, số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng quản lý thị trường là 8.445 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính đạt 4,33 tỷ đồng.
Đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử, thực hiện yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các sàn thương mại điện tử đã thường xuyên kiểm tra, rà soát nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Tính đến 24/4/2020, các sàn thương mại điện tử đã xử lý gỡ bỏ tổng cộng khoảng 17.310 gian hàng và khoảng 34.480 sản phẩm vi phạm.
Ông Dương Duy Hưng cũng nhấn mạnh thêm rằng: Việc bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang chống giọt bắn cho nhu cầu sử dụng của người dân trong thời gian qua cũng được thực hiện tốt.
Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp để cập nhật năng lực sản xuất và hướng dẫn tiếp cận với các quy định mới. Đồng thời, tìm kiếm, kết nối nguồn nguyên liệu, phụ liệu để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất khẩu trang nhanh nhất và kết nối doanh nghiệp sản xuất với người mua, tăng lượng đơn đặt hàng, hỗ trợ thị trường tiêu thụ.
Về khơi thông xuất khẩu, Bộ Công Thương liên tục bám sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1/2020 và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình ở phía Việt Nam cũng như phía các nước, đặc biệt là với Trung Quốc.
Ngoài ra, tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước để giải phóng một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch, giảm áp lực cho xuất khẩu trong giai đoạn gặp khó khăn.
Vì thế, hầu hết các hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam đều tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân. Hơn nữa, Bộ còn phối hợp tốt với các địa phương để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
Chia sẻ về việc dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, trong quí I/2020, xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường đã bị sụt giảm đáng kể. Chẳng hạn như thị trường ASEAN chỉ tăng 0,6%, trong khi thị trường EU giảm 5,2%... Tuy vậy thị trường Trung Quốc duy trì được mức tăng cao, hơn 19%.
Do đó, ông Phan Văn Chinh khuyến nghị cần có các chương trình xúc tiến thương mại, thậm chí là đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn vượt qua giai đoạn khó khăn; trong đó tập trung vào các vấn đề về lao động và việc làm.
Theo ông Phan Văn Chinh, thời gian qua Cục Xuất Nhập khẩu đã liên tục họp bàn và tham mưu giúp lãnh đạo Bộ ban hành các thông tư để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các giải pháp khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản qua biên giới.
Liên quan đến việc cung ứng hàng hoá trong thời điểm dịch bệnh, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, tuy không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong thời gian cách ly nhưng dịch bệnh đã tác động mạnh tới các ngành dịch vụ, du lịch khiến thu nhập của người lao động cũng như tiêu thụ nội địa giảm.
Để đẩy mạnh thị trường trong nước trở lại bình thường, ông Trần Duy Đông đề xuất thực hiện đồng loạt việc đảm bảo đầy đủ cung ứng hàng hóa, tận dụng thương mại điện tử và đẩy mạnh liên kết trong trạng thái mới.
Bước sang giai đoạn mới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần xác định tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh là yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm trước hết, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các Kế hoạch triển khai công tác của Bộ Công Thương đã ban hành.
Cùng với đó, phải khẩn trương có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tranh thủ thời gian sau khi kết thúc dịch bệnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần vào thực hiện mục tiêu kế hoạch không chỉ của năm 2020 mà còn những năm tiếp theo.
Đối với sản xuất công nghiệp, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành trọng điểm như dệt may, da giày, điện tử, ô tô, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn.
Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung xử lý khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí. Đặc biệt, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, đặc biệt là cho giai đoạn sau dịch bệnh và cho những năm tiếp theo.
Riêng đối với diễn biến đặc biệt phức tạp của giá dầu thế giới, Bộ Công Thương cho biết vừa qua đã có Báo cáo đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp với Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tiếp tục có đánh giá tác động của việc giá dầu giảm sâu và đề xuất các giải pháp cần thiết ở trong nước.
Đối với xuất nhập khẩu, phải có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường để khai thác ngay trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn hậu dịch bệnh.
Với thị trường châu Âu, trọng tâm là chuẩn bị tốt nội dung để trình Quốc hội thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tới đây.
Với thị trường Trung Quốc, một mặt, tiếp tục bám sát tình hình để khơi thông xuất khẩu qua tuyến biên giới đường bộ. Mặt khác, cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch để triển khai các nội dung thống nhất giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Bộ trưởng Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm đưa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước vào thực hiện để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Thị trường trong nước phải là bệ đỡ cho tăng trưởng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường ngoài nước gặp khó khăn. Do vậy, cần phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19.
"Đáng lưu ý, phải coi đây là động lực quan trọng để phục vụ tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo, khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn", người đứng đầu ngành công thương đề nghị.
Mặt khác, ngành cũng theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịch bản điều hành giá của Chính phủ. Thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, cần có chương trình thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, đặc biệt là gắn với việc triển khai Mobile Money mà Chính phủ đã có chủ trương cho phép thí điểm để tạo được đột phá trong lĩnh vực này thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị trong Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch công việc cụ thể để thực hiện cho giai đoạn tới đây, đặc biệt là sau khi dịch bệnh kết thúc, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, bảo đảm yêu cầu về tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo.
Mặt khác, tiếp tục theo dõi sát tình hình, duy trì quan hệ làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có biện pháp đề xuất, hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về các gói tín dụng hỗ trợ, đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét giãn, giảm, miễn các loại thuế đối với những ngành công nghiệp như dệt may, da giày, công nghiệp điện tử.