Theo công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy có trụ sở chính tại Na Uy, trong bối cảnh giá dầu Brent ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, doanh thu từ lĩnh vực dầu mỏ trong năm 2020 có thể giảm 40% so với năm 2019. Sự sụt giảm nhu cầu cũng khiến các công ty lớn cắt giảm chi tiêu, trước hết là cho các dự án thăm dò, tìm kiếm những giếng dầu mới, tiếp đó là kinh phí di chuyển nhân lực và thiết bị đến các điểm khai htacs. Rystad Energy dự báo đầu tư năng lượng có thể giảm 25% trong nửa đầu năm 2020, xuống còn 410 tỷ USD.
Việc đầu tư sụt giảm sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong ngắn hạn, điều này sẽ gây thiệt hại cho các quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào doanh thu dầu mỏ. Ngân sách các nước này phụ thuộc vào doanh thu từ các hoạt động khoan dầu mới và giá trị mỗi thùng dầu. Gabon là một ví dụ điển hình, khi quốc gia nhỏ bé ở Trung Phi này đang chứng kiến doanh thu bốc hơi, sau khi các kế hoạch khoan dầu ngoài khơi bị ngưng trệ.
Về lâu dài, sự sụt giảm đầu tư đặt ra câu hỏi về khả năng các nhà sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng vốn rất cao của thị trường. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nếu đầu tư duy trì ở mức 2020 trong 5 năm tới, nó sẽ làm giảm mức cung dự báo ban đầu vào năm 2025 gần 9 triệu thùng/ngày. Sự cân bằng giữa cung và cầu có thể bị đảo lộn, khi các nhà sản xuất rất khó khăn để đáp ứng thị trường.
Trong khi đó, việc một số nhà khai thác quyết định đóng cửa các giếng dầu vào thời điểm khủng hoảng y tế, do khả năng lưu trữ bão hòa, cũng làm phức tạp thêm tình hình. Động thái này không những khiến giảm năng suất hoạt động, mà tăng chi phí khởi động lại khai thác. Chính vì vậy, một số mỏ dầu cũ có năng suất thấp nhưng đòi hỏi chi phí vận hành tương đối cao có nguy cơ sẽ bị đóng vĩnh viễn.
Cuối tháng Năm vừa qua, báo cáo thường niên của IEA cho thấy đầu tư vào ngành năng lượng đã giảm kỷ lục do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cụ thể, số tiền đầu tư vào năng lượng trong năm nay ước tính giảm 20% so với mức đầu tư của năm ngoái, hoặc tương đương 400 tỷ USD. IEA cảnh báo các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, khi thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng khiến nhu cầu năng lượng giảm và đe dọa sự suy giảm của kinh tế.
IEA trước đây dự báo 2020 là năm "bội thu" của năng lượng xanh, nhưng hiện đã cắt giảm dự báo hai năm về tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo gần 10%. IEA đưa ra nguyên nhân của việc giảm dự báo này là do chỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động xây dựng bị trì hoãn, các biện pháp giãn cách xã hội và những thách thức tài chính.