Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, phong trào thi đua “Ngành giao thông vận tải đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” được Bộ Giao thông vận tải phát động nhằm 3 mục tiêu chính.
Theo đó, mục tiêu đầu tiên là thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa công phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu thứ hai là tạo sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo và toàn thể cán bộ ngành giao thông vận tải về tinh thần trách nhiệm cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện “mục tiêu kép”. Từ đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển ngành giao thông vận tải trong bối cảnh dịch bệnh. Không lấy lý do dịch bệnh để biện minh cho những việc chưa hoàn thành.
Mục tiêu thứ ba là qua phong trào, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt, các cán bộ trẻ năng động, sáng tạo trong nhiệm vụ. Cùng đó, kịp thời phê phán các cá nhân, tổ chức thực hiện không nghiêm lời kêu gọi của Tổng Bí thư và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nhiệm vụ trên đã được Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và địa phương thực hiện tốt trong thời gian qua và cần phải triển khai hiệu quả hơn nữa, tuyệt đối không để xảy ra ùn ứ, gây bức xúc xã hội và tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Nếu giao thông không thuận, hàng hóa khan hiếm sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, nhất là tại các vùng bị phong tỏa, giãn cách. Giao thông thông suốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, phục vụ chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu liên tục, góp phần tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng quan tâm đặc biệt đến kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trong bối cảnh dịch bệnh. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn; danh mục công trình, dự án của Bộ Giao thông vận tải cũng đã có và triển khai cho tất cả các đơn vị trực thuộc, các ban quản lý dự án làm chủ đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, bên cạnh các dự án đang triển khai, ngành giao thông sẽ có 70 dự án mới; trong đó, 6 dự án phải báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, 12 dự án phải báo cáo Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và 50 dự án nhóm B thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với nhóm dự án trình Chính phủ, thời điểm này có 2/12 dự án được phê duyệt. 10 dự án còn lại gồm: 5 dự án ODA và 5 dự án PPP vốn Nhà nước từ 2.300 - 10.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải đặt quyết tâm trình Chính phủ trong tháng 8 hoặc tháng 9/2021.
Với các chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải, hiện Bộ đã phê duyệt khoảng 50%. Trong tháng 8, 9/2021, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư cho toàn bộ 50 dự án này nếu đủ điều kiện.
“Mục tiêu Bộ Giao thông vận tải đặt ra là đến cuối năm nay, các dự án sẽ lựa chọn được tư vấn tiến hành lập dự án để chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch xây dựng cơ bản nhiệm kỳ này, chủ yếu từ 2022 - 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu đến ngày 30/9, tất cả các chủ đầu tư các dự án phải giải ngân tối thiểu 60%.
Do đó, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nâng cao sự giám sát, điều phối, xây dựng cơ bản để đạt kết quả tốt nhất. Từ đó, nâng tỷ lệ giải ngân trong lĩnh vực giao thông vận tải đến tháng 9/2021 đạt 60% như Nghị quyết Chính phủ đặt ra.
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm về đảm bảo giao thông, xây dựng cơ bản trong mùa dịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2021, 5 quy hoạch ngành giao thông vận tải sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí với tỷ lệ giảm phán đấu trên 10% như năm 2020…