Hạn chế ùn tắc giao thông mùa dịch
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của ngành Giao thông, hơn một tháng qua, kể từ khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Tổ công tác đã “nằm vùng” ở khu vực này chỉ đạo, phối hợp với UBND các tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thống nhất đảm bảo hoạt động vận tải đường bộ, đương thủy thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay khi các tỉnh khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7/2021, Tổ công tác đã thường trực tại đây phân công các thành viên chia mũi điều hành công tác tổ chức giao thông, đảm bảo vận tải hàng hóa thông suốt, hạn chế ùn tắc tại các cửa ngõ ra vào các địa phương; chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong hoạt động vận tải trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy nội địa.
Đối với các hoạt động vận tải thuộc thẩm quyền, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành GTVT để bảo đảm vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm được thông suốt giữa các tỉnh, thành phố có dịch; giữa các tỉnh, thành có dịch với các địa phương khác.
Đồng thời, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn về luồng xanh vận tải, cấp mã QRCode... trong quá trình lưu thông hàng hóa, nhất là đề nghị TP Hồ Chí Minh cho phép xe taxi chở thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tới tận các phường, xã khu vực đang cách ly để phục vụ nhu cầu của nhân dân, hỗ trợ vận chuyển cấp cứu y tế, chỉ đạo Bệnh viện GTVT TP Hồ Chí Minh xét nghiệm lưu động, hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho lái xe vận tải đường dài... để rút ngắn thời gian vận tải.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT đã yêu cầu các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Nai... thu hồi, điều chỉnh những quy định phòng chống dịch chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa; kiểm tra các bến bãi tập kết hàng hóa, cảng thủy nội địa và công tác chấp hành các quy định phòng chống dịch của các doanh nghiệp, lái xe, lái tàu; giải quyết triệt để nguy cơ quá tải tại cảng Cát Lái gây ùn tắc…
Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT cũng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và UBND các địa phương nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành các hướng dẫn tạm thời đối với 5 lĩnh vực vận tải để thống nhất triển khai trên toàn quốc.
Gỡ vướng, thúc tiến độ thi công, giải ngân vốn các dự án
Đến hết tháng 8/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng, đạt gần 45% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với mức bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm ngành GTVT sẽ phải giải ngân 24.000 tỷ đồng không hề đơn giản. Vì các tỉnh miền Trung, miền Nam sắp bước vào mùa mưa lũ, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá thép và cát sỏi, đất đắp tăng cao đang diễn ra tại nhiều dự án và dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là tại các tỉnh phía Nam, khiến nhiều địa phương phải phong toả. Thực tế này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành, khi các xe ra/vào công trường, dự án đang triển khai bị kiểm soát chặt.
Trước thực tế này, không chỉ đảm bảo vận tải thông suốt, Bộ GTVT đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm để đảm bảo hoàn thành giải ngân số vốn kế hoạch năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao lên tới gần 43.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp trọng tâm để Bộ GTVT thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong tháng 8/2021, Bộ GTVT đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp GTVT căn cứ khối lượng thi công còn lại của các công trình từ nay đến cuối năm, xây dựng kế hoạch cụ thể tiến độ thi công theo từng tuần, từng tháng tương ứng với khối lượng giải ngân để có cơ sở kiểm soát, chỉ đạo điều hành.
"Thủ trưởng các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại cán bộ vào cuối năm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Trong những ngày qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT đã duy trì tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án quan trọng như: Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất… và làm việc với các tỉnh, thành phố về kế hoạch thực hiện các dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45; cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt...
Theo thống kê của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), hết tháng 8/2021, khối lượng lũy kế giải ngân của Bộ GTVT đạt 22.6 tủy đồng, đạt hơn 55% kế hoạch cả năm, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (hơn 51%).
Đối với các vướng mắc về thiếu hụt nguồn nhân lực do bị cách ly, giãn cách xã hội và khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng tại các dự án trọng điểm như: Nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây…, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công, Bộ GTVT đã và đang yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tiếp tục phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trên công trường, xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể để đảm bảo thi công trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện tổ chức “3 tại chỗ”, sắp xếp, bố trí điều kiện sinh hoạt ổn định cho công nhân, không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động báo cáo và làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ GTVT để giải quyết, nhất là khó khăn về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thi công...