Ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu

Diện tích hồ tiêu bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Gia Lai gần 6.500 ha với dư nợ cho vay trên 2.600 tỷ đồng của hơn 11.000 khách hàng; trong đó nợ xấu là 451 tỷ đồng.

Chiều 10/5, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho người dân vay vốn trồng hồ tiêu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp theo hướng giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ; đồng thời tiếp tục đánh giá thực trạng dư nợ, nợ xấu, khả năng xử lý nợ, khả năng thu hồi vốn tại địa phương. 

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Mạnh Tú phát biểu tại buổi làm việc.

Tại Gia Lai, dư nợ cho vay của 14 chi nhánh tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội đối với sản xuất hồ tiêu đạt trên 3.700 tỷ đồng; trong đó vốn ngắn hạn 2.665 tỷ đồng, chiếm 71,56%, với gần 19.000 khách hàng còn dư nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: Diện tích hồ tiêu bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Gia Lai gần 6.500 ha với dư nợ cho vay trên 2.600 tỷ đồng của hơn 11.000 khách hàng; trong đó nợ xấu là 451 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (ViettinBank) có số dư nợ cho vay cao nhất, lần lượt là 967 và 777 tỷ đồng.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại Gia Lai, có gần 1.800 ha hồ tiêu được trồng bằng vốn vay của Agribank bị thiệt hại, chiếm 29% tổng diện tích thiệt hại của toàn tỉnh.

Theo thống kê của Agribank, nợ xấu cho vay hồ tiêu của ngân hàng chỉ chiếm 4% trên tổng số dư nợ, song sẽ tăng lên xấp xỉ 10% vào cuối năm 2019, tương đương gần 100 tỷ đồng. Nếu không có giải pháp, số nợ xấu của Agribank sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

“Nhiều giải pháp đã được chúng tôi đưa ra trong suốt những năm qua. Tính đến 31/3/2019, Agribank đã thực hiện cho vay mới trên 2.000 khách hàng với tổng dư nợ 545 tỷ đồng. Hầu hết khoản cho vay mới đều được người dân sử dụng để chuyển đổi cây trồng, tạo được thu nhập trả nợ cho ngân hàng”, ông Phạm Toàn Vượng phân tích.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà các ngân hàng đề xuất là một vấn đề nan giải, bởi người dân Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã quen với việc trồng hồ tiêu, cà phê, cao su. Chuyển đổi cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, song do diện tích còn ít, nếu mở rộng, không có nhà máy chế biến hoặc đầu ra đảm bảo thì người nông dân sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng.

Trên thực tế, trước tình hình khó khăn của các hộ dân trồng tiêu tại Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế của khách hàng vay vốn để cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi và tiếp tục cho vay chuyển đổi giống cây trồng cho các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng đã kiểm tra, rà soát tình hình vay vốn thực tế của các hộ dân để có biện pháp hỗ trợ. Nhờ đó, đến nay đã có trên 6.000 khách hàng được các tổ chức tín dụng hỗ trợ với các biện pháp như: cơ cấu lại nợ 337 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất 706 tỷ đồng, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh 816 tỷ đồng, cho vay chuyển đổi cây trồng 118 tỷ đồng, đề nghị khoanh nợ khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 107 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị tỉnh Gia Lai sử dụng tất cả các cơ chế, chính sách hiện nay nhằm tạo điều kiện cho người vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ bà con nông dân, và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; tạo sự đồng thuận trong chính sách cho vay, chính sách hỗ trợ của ngân hàng với bà con.

Hơn nữa, khoanh nợ thế nào, kéo giãn thời hạn trả nợ, tái cơ cấu nợ thế nào cơ chế Ngân hàng Nhà nước đã có, nhưng cần cụ thể và thống nhất mới giải quyết được vấn đề.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh cùng ngành ngân hàng đánh giá thực trạng thiệt hại và tổ chức truyền thông tới bà con cùng phối hợp với ngành ngân hàng khắc phục khó khăn.

Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Trên 7.600 lượt hộ dân Cần Thơ được vay vốn ngân hàng chính sách
Trên 7.600 lượt hộ dân Cần Thơ được vay vốn ngân hàng chính sách

Ngày 23/4, tại Cần Thơ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức sơ kết hoạt động Quý I và đề ra phương hướng cho Quý II/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN