Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động vô cùng to lớn đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội; trong đó, có ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn và với nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, ngành nông nghiệp vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để dành một từ nói về ngành nông nghiệp trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch COVID-19, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đó là từ "An". Đó là an toàn quốc gia về mặt năng lượng, an tâm về mặt an ninh lương thực và an lành nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông thôn là điểm tựa vững chắc cho những người hành hương từ các vùng dịch trở về.
Cùng với những con số tăng trưởng mà ngành nông nghiệp đạt được, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy đánh giá, ngành đã “nhập cuộc” kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Chịu tác động nghiêm trọng từ việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước những thách thức đó, ngành chăn nuôi vẫn duy trì phát triển, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
Tuy nhiên, thức ăn sử dụng trong ngành chăn nuôi phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, chiếm tới 90% từ nước ngoài nên khi các nguồn nguyên liệu tăng giá từ 16 - 36%, ngành chăn nuôi trở nên lao đao bởi giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% giá thành sản phẩm.
Nhược điểm của ngành chăn nuôi là phát triển, nhưng chưa bền vững vì thiếu chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Ngoài ra, chuỗi liên kết trong chăn nuôi hay bị đứt đoạn, thiếu chủ động, cung cầu không ổn định dẫn đến giá cả sản phẩm không ổn định, người chăn nuôi lúc lỗ, lúc lãi.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, chăn nuôi nông hộ sẽ vẫn tồn tại, nhưng nông hộ phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, nhóm đơn vị. Trong chuỗi liên kết đó, doanh nghiệp phải là trung tâm. Muốn các doanh nghiệp tiếp cận được vào chăn nuôi nhỏ thì các hộ chăn nuôi nhỏ phải kết nối với nhau bởi sản xuất tự do thì doanh nghiệp cũng không mặn mà vào cuộc. Đồng thời, nông hộ phải mang tính chất chuyên nghiệp để chủ động từ khâu đầu vào đến đầu ra.
Chia sẻ về động lực giúp doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ví dụ có những lúc xe hàng không lưu thông được, nhưng 12h đêm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phó Chủ tịch tỉnh vẫn túc trực để giải quyết triệt để cho doanh nghiệp. Điều này là sự động viên, khích lệ rất lớn để doanh nghiệp tiếp tục cố gắng duy trì vận hành, sản xuất.
Thành công từ việc duy trì xuất khẩu quả vải vừa qua, ông Nguyễn Khắc Tiến nhấn mạnh: “Nếu không có sự kết nối với chính quyền địa phương thì doanh nghiệp không thể vượt qua, không thể tự bơi và một mình xoay xở”.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó. Doanh nghiệp cần nhạy bén trong việc tìm cơ hội trong gian khó. Thời điểm dịch bệnh xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp đã mất mối hàng vì không thể tổ chức tốt việc cung ứng sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam có lượng đơn hàng tăng gấp đôi. Nếu chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể "vượt bão", vẫn có thể duy trì sản xuất kinh doanh, không bị ảnh hưởng quá lớn bởi dịch bệnh.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) chia sẻ, đầu tiên doanh nghiệp, người sản xuất phải thay đổi nhận thức về thị trường. Thị trường nhập khẩu đưa ra quy định dựa trên cơ sở khoa học, thông qua đánh giá rủi ro thì đương nhiên sản xuất phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu. Từ những yêu cầu về kỹ thuật, chúng ta tổ chức lại canh tác để đáp ứng yêu cầu thị trường thì mới bán được hàng.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, thực thi các Hiệp định thương mại tự do. Thực tế cho thấy, khi tham gia hội nhập, các nước vẫn có những vi phạm, bị cảnh báo và điều này là bình thường. Điều quan trọng là chúng ta cố gắng tối đa không vi phạm và sau mỗi cảnh báo rút ra được bài học gì, vi phạm đó xuất phát từ đâu.
Từ thành công xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản, EU…, ông Nguyễn Khắc Tiến cho rằng: “Không có thị trường khó tính, chỉ có bản thân mình đang dễ dàng. Chúng tôi tự dựng lên những hàng rào kỹ thuật của doanh nghiệp, phải làm khó mình thì mới đáp ứng được nhu cầu của đối tác.
Do vậy, các doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất của mình. Kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất khẩu.