Trong 5 năm qua, ngành tài chính đã thực hiện đồng bộ, toàn diện và đổi mới công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách nhà nước theo định hướng thị trường, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công theo hướng bền vững..., góp phần quan trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Theo đó, chính sách động viên ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững cũng như định hướng, mục tiêu, lộ trình đề ra trong Chiến lược tài chính đến năm 2020 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích tích tụ vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, động viên hợp lý, kịp thời các nguồn thu vào ngân sách. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, thu ngân sách nhà nước có bước chuyển biến tích cực, nhất là từ năm 2016 - 2019, thu đều vượt dự toán.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2020 do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nên mức tăng GDP chỉ đạt 2,91% (trong khi kế hoạch đề ra là 6,8%), dù Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Cùng với đó, giá dầu thô giảm sâu; thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 130 nghìn tỷ đồng một số khoản thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh khiến thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 98% dự toán.
Tuy nhiên, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 vẫn vượt mục tiêu đề ra, đạt trên 6,9 triệu tỷ đồng. Quy mô thu ngân sách nhà nước bình quân đạt khoảng 25,2% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (23,5% GDP) và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20 - 21% GDP) và gấp khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Bộ Tài chính cho biết thêm, theo phân cấp thì thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng, tỷ trọng thu ngân sách địa phương trong tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 45% giai đoạn 2016 - 2020 (giai đoạn 2011 - 2015 là 37,4%). Số địa phương có quy mô thu ngân sách nhà nước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng đã tăng gấp đôi, từ 15 địa phương năm 2016 tăng lên 30 địa phương năm 2020; đồng thời, số địa phương có quy mô thu dưới 5 nghìn tỷ giảm hơn một nửa, từ 37 địa phương năm 2016 giảm xuống còn 16 địa phương năm 2020.
Bên cạnh đó, chi ngân sách nhà nước cũng được kiểm soát trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần mức bội chi ngân sách nhà nước. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 7,6 triệu tỷ đồng, bình quân chiếm gần 28% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP) và ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, cơ cấu lại việc chi ngân sách nhà nước, ưu tiên dành nguồn lực tăng chi cho đầu tư ngay từ khâu dự toán. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã được bố trí tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên mức 26,9% năm 2020. Tổng nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho chi đầu tư phát triển trong 5 năm đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra là 2 triệu tỷ đồng.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện đạt 28 - 29% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là 25 - 26%). “Đây là kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh quy mô chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm”, Bộ Tài chính nhận định.
Trên cơ sơ khung pháp lý, bám sát mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quản lý, điều hành chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, bội chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 3,6% GDP (mục tiêu đề ra là 3,9% GDP).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn bởi dịch COVID-19, nhưng toàn ngành đã nỗ lực cao nhất để cùng đất nước vượt khó đưa nền kinh tế phục hồi, góp phần tích cực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Đồng thời, phối hợp điều hành tốt chính sách tiền tệ để đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn đỉnh, lạm phát thấp.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngoài ra, triển khai một số giải pháp như: nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...