Thông tin này được ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng công bố tại buổi gặp gỡ báo chí nhằm giới thiệu về “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất” do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam tổ chức sáng 14/11, tại trụ sở Bộ Công Thương-Hà Nội.
Chương trình “Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ nhất” năm 2017 sẽ được tổ chức tại TP Đà Lạt. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Theo ông Phạm S, Lâm Đồng là tỉnh có tiến độ tái canh cây cà phê nhanh nhất cả nước và diện tích canh tác cà phê lên tới 155.239 ha, với sản lượng khoảng 430.000 tấn, năng suất trung bình gần 3 tấn/ha.
Cùng với đó, Đà Lạt là địa danh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng để sản xuất sản phẩm cà phê chè hảo hạng thuộc tốp đầu thế giới. Vì vậy, cà phê Đà Lạt luôn được các công ty kinh doanh săn lùng, thu mua với giá cao gấp nhiều lần loại cà phê khác.
Vì thế, với chủ đề “Thời kỳ phát triển mới cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, "Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất" được chọn tổ chức tại Đà Lạt là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm sản phẩm, gặp gỡ giao lưu, ký kết hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê “Made in Vietnam”.
Chia sẻ thêm thông tin về “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, người Pháp mang hạt giống cà phê cho nông dân Việt Nam trồng từ năm 1857. Đến nay, diện tích cà phê cả nước đạt 20.000ha, xuất khẩu 1,8 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD/năm. Hiện tại, Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới (sau Brazil).
Cũng theo ông Lương Văn Tự, trong khuôn khổ “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất” sẽ diễn ra hội thảo “Thời kỳ phát triển mới cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.
Hội thảo sẽ tập trung bàn thảo về nghiên cứu sản xuất, đầu tư; xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; các chính sách phát triển cà phê trong thời kỳ mới đối với thị trường trong nước và thế giới.