Dù không phải là nguồn thu nhập chính nhưng hàng năm vào dịp Tết, thu nhập từ việc bán đào đã giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống. Vì vậy, việc đào nở sớm khiến người dân vùng cao lo lắng sẽ mất nguồn thu.
Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn nằm ở độ cao trên 1.500m, nơi được xem là thủ phủ đào đá của vùng cao tỉnh Nghệ An. Toàn xã có gần 30 ha đào, trong đó đa số là giống đào đá được dân chơi đào ưa chuộng. Mỗi dịp Tết, người dân trong xã bán ra thị trường hơn 1.000 cành đào, thu về khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng năm nay hàng loạt gốc đào đá nơi đây đã nở rộ.
Chị Hờ Y Sùa, bản Non Kiều, xã Mường Lống, cho biết, trong xã rất nhiều hộ trồng đào, hàng năm mỗi khi Tết đến thương lái từ vùng xuôi lên tận vườn thu mua. Với giá khoảng vài trăm nghìn một cành, nhiều gia đình xem đây là nguồn thu đáng kể trong dịp Tết. Riêng gia đình chị trồng ít nhưng mỗi dịp Tết cũng thu được 5-7 triệu. Tuy nhiên năm nay nhiều khả năng đến Tết sẽ không còn đào để bán vì đào đã nở.
Mở dịch vụ Homestay nên việc đào nở sớm khiến gia đình ông Lê Văn Ngôn, bản Trung Tâm, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn rất lo lắng. Theo ông Ngôn, Mường Lống được ví như Sapa của Nghệ An, ở đây có vùng đào, mận cổ thụ rất đẹp. Mọi năm cứ dịp Tết đến là khách tham quan, du lịch ở Hà Nội, thành phố Vinh, Đà Nẵng... về khá đông. Năm nay đào nở sớm thì Tết sẽ không còn đào nữa, lượng khách tham quan, du lịch chắc sẽ ít hơn.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn, thời tiết thất thường, sau khi lạnh thì trời chuyển nắng ấm dài ngày đã kích thích đào nở sớm. Trong khi đó, người dân địa phương không áp dụng phương pháp để kìm hãm nên đào nở theo quy luật tự nhiên. Ông Nguyễn Bá Cường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện huyện có đến 130 ha đào, tập trung chủ yếu ở các xã có đông đồng bào người H’Mông như Mường Lống, Na Ngoi, Huổi Tụ...Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển cây đào, chính quyền huyện cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư, định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển cây đào. Thời gian qua vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều dự án chậm tiến độ, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thời gian qua, huyện Kỳ Sơn đã có nhiều chính sách nhằm phát triển cây đào. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã hỗ trợ người dân địa phương trồng mới hơn 3.000 cây đào để cải tạo các vườn già cỗi. Cán bộ chuyên môn đã trực tiếp đến các địa phương mở các lớp hướng dẫn bà con cách chăm bón, tỉa đốn cành. Dù không phải là nguồn thu nhập chính nhưng thu nhập từ việc bán đào Tết đã giúp bà con cải thiện cuộc sống rất nhiều.