Đã tồn tại từ hàng chục năm nay, nhưng do nhiều biến động về thị trường và những khó khăn khác, nên nghề nuôi hươu đã có những thời điểm giảm về quy mô, số lượng hộ nuôi.
Xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, là một trong những vùng trọng điểm nuôi hươu của tỉnh Nghệ An. Hiện nay, trên địa bàn xã có 60 hộ nuôi hơn 300 con hươu. Do phục hồi, phát triển nghề nuôi hươu nên tại địa phương, nhiều hộ đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều nghề khác ở nông thôn.
Ông Lê Trần Tráng, xóm 22, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, có nghề nuôi hươu từ năm 1983. Hiện gia đình ông nuôi 60 con hươu. Ông Tráng cho biết, tại địa phương hươu chủ yếu được nuôi nhốt trong vườn nhà. Hàng ngày, hươu được chăm sóc, cho ăn theo đúng quy trình kỹ thuật của ngành nông, lâm nghiệp và kinh nghiệm trong dân. Nghề nuôi hươu ở địa phương có lợi thế là: Nhiều hộ có kinh nghiệm nuôi lâu năm; điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp để hươu phát triển. Mặt khác, hươu không phải là đối tượng khó chăm sóc, kỹ thuật nuôi không phức tạp; ít bị bệnh; thức ăn đơn giản, có sẵn tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quý, xóm 4, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, đang nuôi 15 con hươu, cho biết người dân tại địa phương chủ yếu nuôi hươu để bán giống và lấy lộc nhung cung cấp cho thị trường. Mỗi năm, hươu cho lấy lộc một lần. Với giá bán như hiện nay khoảng 10 triệu đồng/kg lộc nhung hươu, mỗi con hươu có thể cho thu nhập từ 8-20 triệu đồng/năm.
Nghệ An đang khuyến khích nông dân khôi phục và phát triển nghề nuôi hươu dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm nuôi trong dân. Một số địa phương như huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mô hình nuôi hươu tập trung, quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu để ổn định đầu ra cho nghề nuôi hươu ở địa phương.