Việc cắt lấy sừng non của các con hươu đực để bán với giá giao động từ 18 - 25 triệu đồng/kg, giúp nhà nông nơi đây tăng thêm nguồn thu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Quý ở thôn Tân Phước, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng có trại nuôi 15 con hươu. Trong ngày cắt nhung hươu, mọi người đã có mặt đông đủ ở trang trại nhà bà Quý để chuẩn bị các công đoạn cắt nhung. Sau khi bị cắt sừng lấy nhung, hươu sẽ được cầm máu băng bó vết cắt rất kỹ để tránh bị ảnh hưởng đến quá trình mọc lại sừng. Bà Nguyễn Thị Quý chia sẻ: “Đầu năm, cắt nhung sẽ mang lại may mắn. Đây cũng là lúc mọi người cùng nhau sum họp những ngày đầu Xuân Canh Tý. Cắt nhung cần phải có nhiều người để không làm tổn thương cơ thể cũng như phát triển về sau của hươu”.
Tại ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, ngoài trồng cây hồ tiêu, hơn 2 năm nay, gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn còn nuôi 8 con hươu lấy nhung. Nuôi hươu có nhiều thuận lợi, vì anh tận dụng thức ăn cho hươu từ cành, lá trụ cây hồ tiêu. Anh Sơn chia sẻ: “Nuôi hươu, gia đình đã tôi tận dụng từ trụ cây hồ tiêu là chính, còn lại chúng tôi trồng thêm ít cỏ nhằm cung cấp thức ăn phong phú hơn. Đặc biệt, trong suốt quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng, công đoạn cắt nhung hươu là quan trọng nhất quyết định 70% việc thành công, bởi nếu cắt nhung không đúng cách sẽ làm đế nhung hư hại, từ đó nhung sẽ không mọc lại, nếu mọc lại cũng kém phát triển”.
Hái lộc đầu Xuân là một phong tục trong ngày Tết cổ truyền mang ý nghĩa, giá trị tinh thần hy vọng một năm mới nhiều may mắn, tốt lành. Với người dân Bình Phước, "hái lộc" từ nhung hươu mong muốn chia sẻ lộc đầu năm, cùng nhau giúp đỡ trong chăn nuôi và thưởng thức hương vị của “lộc” đầu Xuân.
Anh Trương Văn Nghiệp ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp nuôi gần 30 con hươu đã được hơn 3 năm và đang phát triển tốt. Anh Trương Văn Nghiệp cho biết: “Ngày cắt nhung đầu năm là ngày vui nhất của người nuôi hươu ở đây. Bởi những ngày đầu Xuân cắt hươu, mọi người sẽ có thời gian tập trung đông và thưởng thức hương vị của lộc đầu năm. Ngoài ra, người nuôi vui vì sau những ngày chăm sóc, giờ là lúc họ được thu về thành quả lao động bằng giá trị hàng triệu đến hàng chục triệu đồng từ những cặp nhung bán ra”.
Nhung hươu là phần sừng non của hươu đực dùng để ngâm với rượu hay các thứ khác tùy nhu cầu sở thích của người sử dụng. Ngoài ra, người dân ở đây còn uống huyết nhung vừa cắt pha với rượu vào dịp đầu năm với ý nghĩa "hái lộc" để được may mắn.
Trong bối cảnh giá hồ tiêu thấp, nhiều hộ dân tại xã Tân Tiến mạnh dạn chuyển đổi nhiều mô hình, trong đó có mô hình nuôi hươu lấy nhung để "chữa cháy" kiếm thêm thu nhập. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Tiến Nguyễn Văn Nu cho biết: Trên địa bàn xã, ngoài mô hình nuôi dê là vật nuôi chủ lực để tiêu thụ phụ phẩm của trụ cây hồ tiêu, mô hình nuôi hươu dù rất mới nhưng có tiềm năng phát triển. Địa phương xác định hươu là vật nuôi đầy tiềm năng nên khuyến khích các nông hộ đẩy mạnh phát triển mô hình bền vững, đồng thời góp phần đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Địa bàn xã cũng đã thành lập hợp tác xã nuôi hươu để cùng nhau hỗ trợ trong chăn nuôi phát triển bền vững.
Mô hình nuôi hươu lấy nhung ở huyện vùng biên Bù Đốp chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, với tiềm năng lợi thế về khí hậu, đất đai đặc biệt là nguồn thức ăn dồi dào từ những trụ cây hồ tiêu, mô hình nuôi hươu đang ngày càng phát triển. Hiện gần chục gia đình ở đây đã nuôi với khoảng 100 con hươu đực.
Với mô hình nuôi hươu sao ngày càng được nhân rộng, nhung hươu được nhiều người biết đến không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận. Đây được xem là “tín hiệu mừng” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Bình Phước.