Nghề đan lát Phước Long vào vụ

Đến làng nghề đan lát ở ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương trong những ngày cận Tết Đinh Dậu của người dân nơi đây.

Những mặt hàng đan lát thủ công được bày tràn khắp lối đi, từ trong nhà ra đến ngoài sân, thậm chí để tràn ra hai bên đường. Tất cả người dân trong ấp đều được huy động vào “vụ mùa”, từ những em nhỏ tới cụ già cắm cúi đan thoắt thoắt những chiếc cần xé, chiếc khênh… mang thương hiệu Phước Long sao cho kịp hàng xuất cho các thương lái.

Bề dày truyền thống

Làng nghề đan lát ở ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông được hình thành cách đây hơn 50 năm, dân trong ấp chẳng ai biết cái nghề này có từ bao giờ, họ chỉ biết sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của làng nghề trước đây khá phong phú và đa dạng, được làm từ trúc nhưng hiện giờ chủ yếu là đan cần xé. Thương lái đến thu mua tại nhà với giá dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/sản phẩm và ngoài ra các hộ gia đình còn làm thêm khênh để đựng cá, bún…

Ông Trần Ngọc Ẩn, Bí thư xã Vĩnh Phú Đông cho biết, trong ấp ai cũng làm nghề này, nhất là những người già, có những hộ gia đình làm nghề này đến nay đã ba đời. Công việc này không nặng lắm, chỉ cần chịu khó là sẽ có thu nhập, tất cả trẻ con hơn 10 tuổi đã biết đan lát.

Ông Trần Văn Thế, 66 tuổi, ngụ ấp Mỹ I cho biết, “đến đời tôi là đời thứ 3 làm nghề đan lát. Ngoài việc đồng áng là nghề chính, những lúc rảnh rỗi, nhờ vào nghề lan lát để có thêm thu nhập nên gia đình tôi cũng đỡ được phần nào”. Còn bà Bùi Thị Thái (65 tuổi, ngụ ấp Mỹ I) chia sẻ, gia đình bà làm nghề đan lát từ rất lâu rồi, từ thời cha mẹ tôi đến giờ, năm 10 tuổi bà đã tập làm nghề cho đến tận bây giờ, con cái bà cũng theo nghề của bố mẹ.

Ông Phạm Văn Năm, 60 tuổi, ngụ ấp Mỹ I là một người gắn bó với nghề đan lát hàng chục năm nay tâm sự: “Cái nghề này không chỉ để người dân chúng tôi mưu sinh hàng ngày mà đó cũng là cách để chúng tôi gìn giữ cái nghề truyền thống của cha ông”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông, ông Huỳnh Minh Thiệt, địa phương rất khuyến khích các gia đình phát triển kinh tế từ nghề truyền thống, nhất là nghề đan lát. Ngoài việc đồng áng, người dân nơi đây lấy việc đan lát để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lâu dần nghề phát triển rộng rãi như ngày hôm nay. Ấp có 529 hộ gia đình thì đã có 300 hộ làm nghề đan lát, nghề này ít vốn, thu nhập chủ yếu lấy công làm lời.

Các hộ gia đình nhận hàng đan lát về gia công, kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN

Nâng cao thu nhập


Có thể nói, nghề đan lát đã góp phần đem lại cuộc sống ổn định cho người dân ấp Mỹ I. Nhờ có thêm nghề đan lát, thu nhập của từng hộ gia đình được nâng lên rõ rệt, phần nào đã xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo. Hầu hết các gia đình đều có thể cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, đã sắm được các đồ dùng đắt tiền như tivi, xe máy, tủ lạnh…

Chị Phạm Kim Chi, 35 tuổi cùng ở ấp Mỹ I tâm sự: “Gia đình có 2 vợ chồng và đứa con, chồng thì đi làm công ty, con thì đi học, tôi thì ở nhà làm nghề đan lát, lúc rảnh rỗi chồng và con cũng phụ giúp thêm. Một tháng bán cho thương lái cũng được 150 cái cần xé, mỗi cái giá 20.000 đồng. Nhờ vậy, gia đình cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nhờ vậy năm rồi gia đình tôi cũng vừa thoát được nghèo”.

Nghề đan lát tại ấp Mỹ I diễn ra quanh năm suốt tháng, có thời gian rảnh rỗi là người dân tập trung làm nghề. Tuy nhiên, vào thời gian những tháng giáp tết thì họ lại thêm tất bật hơn so với những ngày bình thường. Sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ tại thành phố Bạc Liêu, các tỉnh lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ…

Ông Phạm Văn Năm bày tỏ, hầu hết sản phẩm trong ấp đều được các thương lái đến tận nhà mua gom rồi đưa đi khắp nơi để tiêu thụ. Càng gần Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng của làng nghề lớn nên sản phẩm làm ra cung không đủ cầu. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết là tất cả người dân trong ấp lại tất bật với việc đan lát để phục vụ thị trường Tết.

Theo bà Bùi Thị Thái: “Giá cả tùy thuộc vào từng loại, cái to có giá 20.000 – 30.000 đồng/cái, còn cái nhỏ có giá 35.000 – 40.000 đồng. Ở đây, các thương lái đến mua và đặt hàng trước, nhưng gia đình tôi phần lớn có xe xuất hàng đi thành phố Bạc Liêu và sang các tỉnh khác như Cần Thơ, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng...”.

Sự phát triển của làng nghề, tiềm năng về lao động, đặc biệt là những chính sách ưu tiên phát triển làng nghề của Đảng và Nhà nước hiện nay thì làng nghề đan lát ấp Mỹ I không thiếu điều kiện để phát triển và khẳng định vị trí của mình trong nghề thủ công đan lát Việt Nam . Tuy nhiên, hiện nay làng nghề ấp Mỹ I đang phải đối mặt với những thách thức về sự thiếu nguồn nguyên liệu, vấn đề đào tạo đội ngũ thợ…

“Hầu hết, một phần nguồn nguyên liệu là chúng tôi tự túc với hơn 5.000m2 trúc trồng trên đất nhà, còn lại đi mua với giá từ 4.000 – 6.000 đồng/cây nhưng nhiều khi cũng không đủ dùng”, bà Bùi Thị Thái cho hay.

Theo tâm sự của ông Phạm Văn Năm: “Chúng tôi làm nghề này đầu ra thì không phải lo lắng nhiều vì  làm bao nhiêu, bán bấy nhiêu, đôi khi nhận tiền trước, xuất hàng sau, chỉ có điều đầu vào nguyên liệu thiếu thốn.1.000m2 đất trồng nguyên liệu và mua thêm nguyên liệu cũng không đủ làm  nên đôi khi phải nghỉ, khi nào có trúc nguyên liệu rồi làm tiếp”.

Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án quy hoạch và phát triển làng nghề đan lát ấp Mỹ I và giao Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc Trung tâm thực nghiệm huyện Phước Long Phan Minh Cảnh cho biết, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu đã giao cho Trung tâm triển khai dự án quy hoạch và phát triển làng nghề đan lát ấp Mỹ I với 300 hộ gia đình (ưu tiên chọn hộ nghèo và cận nghèo nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân) với dự án đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Nhằm bảo tồn và phát huy làng nghề kết hợp với việc phát triển du lịch sinh thái, dự án được chia làm hai giai đoạn cùng với việc phát triển tại chỗ 30 ha nguồn nguyên liệu trúc phục vụ cho việc sản xuất. "Hiện nay giai đoạn 1 đã được triển khai, chúng tôi đã cấp 3 triệu đồng bằng nguồn nguyên liệu giống trúc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi hộ gia đình, bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định", ông Cảnh cho biết.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông Trần Văn Triều cũng khẳng định, năm 2016, nhờ dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nên làng nghề đan lát tại ấp Mỹ I đã có dấu hiệu phát triển hơn so với trước. Trong thời gian tới, xã dự định thành lập Hợp tác xã đan lát để cho các hộ gia đình làm nghề có điều kiện phát triển hơn, vừa chủ động đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, hình thành thương hiệu làng nghề của tỉnh.

Như Bình (TTXVN)
Bảo tồn nghề đan lát truyền thống ở Ngã Bảy
Bảo tồn nghề đan lát truyền thống ở Ngã Bảy

Giá thành sản phẩm thấp, thu nhập không ổn định khiến nhiều người, nhất là lớp trẻ "quay lưng" lại với nghề đan lát nổi tiếng một thời ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN