Ngân sách bớt lo
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, trước khi trình Chính phủ xem xét đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đó theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế tối thiểu mới sẽ bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng. Còn mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành. Hiện, khung thuế BVMT với xăng tối đa là 4.000 đồng/lít và mức thuế BVMT xăng đang chịu là 3.000 đồng/lít. Thuế môi trường cho xăng sinh học ở mức thấp hơn, trong đó xăng E5 là 2.700- 7.200 đồng/lít, xăng E10 từ 2.500 - 6.800 đồng/lít….
Cần thận trọng tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN |
Theo Bộ Tài chính, qua gần 5 năm triển khai thực hiện Luật thuế BVMT, thuế BVMT đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.
Đại diện Bộ Tài chính lý giải căn cứ để nâng mức thuế BVMT đối với một loạt các mặt hàng xăng, dầu là nhằm động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường. Mặt khác, việc điều chỉnh khung thuế suất thuế BVMT đối với xăng dầu... là cơ sở để điều chỉnh mức thuế cụ thể, qua đó sẽ góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường.
“Để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng xăng sinh học theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì cần bổ sung xăng sinh học vào đối tượng chịu thuế BVMT và nghiên cứu, đề xuất mức thuế ưu đãi phù hợp, nhằm tạo chênh lệch hơn nữa giữa giá xăng khoáng và xăng sinh học”, đại diện Bộ Tài chính nói.
Giới kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng thuế bảo vệ môi trường lên tối đa 8.000 đồng/lít với xăng và 4.000 đồng/lít, kg với các loại dầu có khả năng Bộ Tài chính muốn lường trước việc nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% theo các cam kết hội nhập, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
Bởi trong 5 năm trở về đây, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định. Tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là 11.160 tỷ đồng, năm 2013 là 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là 27.020 tỷ đồng, năm 2016 ước khoảng 42.393 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 1,5- 4,1% tổng thu NSNN và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3- 0,9% trên GDP hàng năm.
Như vậy, so với tổng thu ngân sách, tổng số thu từ thuế BVMT chiếm tỷ trọng khoảng 1,5- 4,1%, tùy theo từng năm. Rõ ràng, thuế BVMT đã tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Về cơ cấu số thu thuế BVMT, thì số thu từ nhóm xăng dầu, than đá chiếm tới 99% tổng số thu thuế BVMT qua các năm.
Điều thấy rõ nhất là số thu từ thuế BVMT tăng mạnh, như năm 2016 tăng gấp 3,8 lần so với số thu của năm 2012 nhưng số chi lại không tương xứng. Và điều đáng chú ý là trong những năm qua, số tiền thu thuế BVMT luôn cao gấp đôi, thậm chí gấp 3,5 lần mức chi cho BVMT. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng chi môi trường năm 2012, 2013 có chung mức là 9 ngàn tỷ đồng, năm, đến năm 2014 đạt gần 10 ngàn tỷ đồng; năm 2015: 11.400 tỷ đồng và năm 2016, 12.290 tỷ đồng.
Tăng ngân sách, không chỉ tập trung vào thuế xăng dầuTheo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, việc tăng thuế BVMT đối với giá xăng dầu sẽ khiến doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là người dân. “Bản chất việc kiến nghị tăng thuế BVMT đối với xăng dầu không phải chỉ là câu chuyện giá xăng dầu sẽ tăng cao hay thấp mà là đặt lợi ích trong thu ngân sách hay đặt lợi ích của người tiêu dùng là người dân lên trên”, ông Ánh nêu vấn đề.
Đề cập vấn đề này, lãnh đạo Công ty CP Xăng dầu Tự Lực I tại Hà Nội chia sẻ: Thuế BVMT mà tăng thì chắc chắn giá xăng dầu sẽ buộc phải tăng theo. Vì đây là thuế gián thu, người tiêu dùng sẽ trả luôn khi đổ xăng, dầu. “Hiện, mỗi lít xăng đang phải gánh 3.000 đồng thuế BVMT. Nếu điều chỉnh thêm thì giá xăng sẽ rất cao. Trong khi đó, dự báo năm 2017 và những năm tới, giá xăng dầu thế giới sẽ cao khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cắt giảm sản lượng. Nếu không tính toán kỹ lưỡng thì việc tăng thuế sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế”, đai diện Công ty Xăng dầu Tự Lực I nói.
Còn PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, hiện thuế, phí chiếm hơn 50% trong cơ cấu giá thành xăng dầu nếu Bộ Tài chính tiếp tục tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường thì khó chấp nhận. Nếu áp dụng “kịch” khung là 8.000 đồng/lít đồng theo đề xuất thì riêng khoản thuế này đã chiếm tới 50% mức giá bán lẻ mặt hàng xăng. Như vậy, sẽ làm ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả. Vì vậy, Bộ Tài chính cần cơ cấu lại thu chi ngân sách, siết chặt kỉ cương tài chính; đồng thời tính tới việc đánh thuế với các loại hàng hóa, tài sản khác thay vì tập trung vào xăng, dầu.