Sự việc xảy ra tại vườn cao su của hộ ông Phan Thanh Hải ở thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Cách đây gần một tuần, khi thăm vườn cao su rộng 2 ha trồng ở thôn Yên Sơn, xã Sông Hinh cách nhà khoảng 1,5 km, ông Hải tá hỏa khi thấy hàng chục cây cao su được 5 năm tuổi, có đường kính gốc từ 10 đến 20 cm gãy ngang thân, đổ rạp.
Tại những chỗ gãy có những vết dao sắc chặt sâu vào thân cây. Kiểm tra toàn bộ vườn cao su với hơn 1.100 cây thì có tới 327 cây bị chặt từ 2 đến 3 vết dao đối xứng nhau.
Ảnh minh họa. Ảnh: Thế Lập.TTXVN |
Những cây cao su bị chặt dần ngã đổ khi có gió hoặc mưa lớn. Anh Hải cho biết, đến thời điểm này mỗi cây cao su đã đầu tư chi phí gần một triệu đồng và dự định đến thời điểm này năm sau sẽ bắt đầu khai thác mủ.
Ông Phan Thanh Hải lo lắng nói: “Gia đình cũng như bà con ở đây mong các ngành chức năng sớm tìm ra kẻ xấu vì ở đây ai cũng có vườn, có rẫy nhưng ở xa nhà. Có như vậy bà con mới bớt lo lắng”.
Cũng tại xã Sông Hinh, trước đó một số hộ khác cũng bị kẻ xấu chặt cây cao su hoặc cắt gốc tiêu nhưng số lượng ít. Người dân đã báo cáo chính quyền địa phương nhưng chưa xử lý dứt điểm.
Ông Phan Thanh Hải nói thêm: “Bà con ở trong này năm nào cũng bị chặt vườn cây, nhưng với số lượng ít. Bà con cũng đã báo lên xã nhưng chưa tìm ra thủ phạm”.
Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, ông Lê Thanh Tùng cho biết, thời gian vừa qua trên địa bàn xã xảy ra tình trạng kẻ xấu chặt cây cao su, cây tiêu và chính quyền đã kiểm tra, điều tra nhưng chưa phát hiện được. Vụ chặt cây cao su của hộ ông Phan Thanh Hải với số lượng rất lớn, ngoài tầm quản lý của xã nên xã đã báo cáo lên Công an huyện và UBND huyện Sông Hinh để điều tra, xử lý dứt điểm.
Ngoài 200 ha lúa nước, xã Sông Hinh có hơn 340 ha cây công nghiệp dài ngày như cao su, tiêu, cà phê là nguồn thu nhập chính của người dân. Hai năm gần đây, giá mủ cao su, tiêu tăng trở lại đem lại thu nhập khá cho bà con.