Lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn là một trong những thách thức mà ngành chăn nuôi đang phải đối mặt. Giảm dần sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tiến tới tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành là một kỳ vọng của nền nông nghiệp nước ta.Nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngày một tăng, trong khi hiện nay có tới 70% nguồn nguyên liệu đó chúng ta đang phải nhập khẩu.
Chăn nuôi càng phát triển...
Trong 10 năm gần đây, chăn nuôi nước ta phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng 6%/năm. Theo thống kê của Phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2002 - 2011, mức tăng trưởng trung bình của sản lượng toàn ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt khoảng 13,5%/năm. Mức tăng trưởng này là một minh chứng đáng mừng cho sự phát triển của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi công nghiệp nói riêng của nước ta.
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ngày một tăng. |
Nhờ sự tăng trưởng đó mà sản lượng thực phẩm tăng lên, đáp ứng nhu cầu thiết yếu ngày càng cao của xã hội. Hiện nay, đàn lợn đã đạt 28,5 triệu con; đàn gia cầm đạt 350 triệu con và đàn trâu bò đạt 9,5 triệu con.
Để đạt mục tiêu và yêu cầu của ngành chăn nuôi giai đoạn 2012- 2020 như chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt, hướng đến chăn nuôi để xuất khẩu thì việc giải bài toán chủ động nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là hết sức cần thiết. Hiện nay, Chính phủ cũng đã có một số chính sách đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Đó là: ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vốn, bình ổn giá, khuyến khích áp dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi nói chung và sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Tuy nhiên, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta còn rất nhiều khó khăn, tồn tại và thách thức khiến các nhà quản lý lẫn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đau đầu. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Khó khăn lớn nhất của ngành là sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất.
... nguyên liệu trong nước ngày càng thiếu
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước ta hiện chủ yếu là ngô, sắn, đậu tương. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của nguồn này cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Cụ thể, với ngô và sắn, diện tích trồng khó mở rộng thêm. Còn với đậu tương, năng suất thấp, không có quỹ đất chuyên canh; diện tích vụ đông khó mở rộng do giá lao động nông thôn tăng cao.
Chính vì vậy, nhiều năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước ta phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Theo Cục Chăn nuôi, năm 2011, nước ta nhập khẩu xấp xỉ 8,9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tăng 3 lần so với năm 2006. Trong đó, nhóm thức ăn giàu năng lượng như ngô, lúa mỳ, cám mỳ là 3,86 triệu tấn (chiếm khoảng 43%); thức ăn giàu đạm như đỗ tương, khô dầu các loại, bột cá, bột thịt xương... chiếm gần 5 triệu tấn (khoảng 54%); thức ăn bổ sung khoảng 0,2 triệu tấn (chiếm 3%). Riêng 8 tháng đầu năm 2012 cả nước đã nhập 1,1 triệu tấn ngô và 1,8 triệu tấn lúa mỳ.
Bộ NN&PTNT tính toán, để đáp ứng được chiến lược phát triển chăn nuôi, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng thức ăn của Việt Nam ước tính là 27,4 triệu tấn (tăng 1,3 lần so với năm 2012). Như vậy, với năng lực đáp ứng hiện nay, chúng ta sẽ phải nhập nhiều hơn nữa nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là các loại giàu năng lượng như ngô, lúa mỳ, khô dầu.
Điều này làm tăng giá thành chăn nuôi, cộng thêm việc khó kiểm soát về chất lượng và nhiều khó khăn phát sinh khác. Cụ thể, việc nhập nguyên liệu nhiều sẽ làm cho giá thức ăn chăn nuôi trong nước bị lệ thuộc vào thị trường thế giới. Mà hiện nay, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang ngày một tăng, do tình hình chung trên thế giới là nhu cầu lương thực tăng cao. Bên cạnh đó, một lượng đáng kể ngũ cốc trên thế giới được dùng để sản xuất năng lượng sinh học. Trong khi, do giới hạn của việc mở rộng diện tích, ảnh hưởng của thời tiết và khí hậu diễn biến thất thường nên sản lượng của ngô, đậu tương và lúa mỳ khó tăng lên.
Chẳng hạn, theo một số tài liệu tham khảo, từ cuối tháng 10/2010 đến tháng 2/2012, giá ngô trong nước đã tăng khoảng 2.500 đồng/kg. Dự kiến thời gian tới, giá ngô thế giới còn tiếp tục tăng, có thể lên đến 8.000 đồng/kg.
“Thật là một thảm họa nếu ngành thức ăn chăn nuôi cứ bị chi phối bởi nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, việc khai thác nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất và cung cấp thức ăn cho chăn nuôi đang là một yêu cầu cấp thiết”, GS Vũ Duy Giảng, Đại học Nông nghiệp Hà Nội bày tỏ ý kiến.
Mạnh Minh
Bài 2: Không nên quá lo ngại về việc nhập nguyên liệu