Với tỷ lệ hơn 70% dân số là nông dân, nguồn thu nhập chính của đại đa số người dân Việt Nam vẫn từ sản xuất nông- lâm nghiệp. Tuy nhiên, do cách làm còn manh mún, kém hiệu quả, sản xuất lạc hậu, thiếu sự đầu tư và quy hoạch bài bản nên cuộc sống nhà nông vẫn khó khăn.
Có gần 3 ha ruộng nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở huyện An Phú (An Giang) vẫn chỉ đủ ăn. Hầu như tất cả chi tiêu trong gia đình từ ma chay, cưới hỏi, học hành của con cái…, anh đều trông chờ vào mỗi kỳ thu hoạch lúa. Vụ hè thu vừa qua, niềm vui trúng mùa chưa được bao lâu thì nỗi buồn giá thấp ập đến, trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Giá gạo xuất khẩu giảm liên tục, từ mức 410 USD/tấn loại 5% tấm vào đầu năm nay xuống còn 365 USD/tấn đã tác động đến giá cả thu mua của thương lái. Những dự trù của anh về tiền học cho con, mua sắm thêm trang thiết bị cho gia đình… trước vụ thu hoạch lúa đã phải hoãn lại vì giá lúa bán ra thấp hơn so với giá thành.
Đầu ra bấp bênh, nhiều người nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai quyết định “treo chuồng” chuyển sang mô hình làm ăn khác. |
Những hộ nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long cũng “dở khóc dở cười” vì cá đã quá lứa nhưng vắng bóng người mua. Giá thu mua cá nguyên liệu cũng tụt dốc không phanh khiến người nuôi cá lao đao. Giá cá tra thu mua có thời điểm chỉ dao động từ 21.000-22.000 đồng/kg và là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Nếu tính đúng tính đủ các khoản chi phí đầu tư, giá thành nuôi hiện nay đã lên đến 24.000 - 25.000 đồng/kg và với giá bán trên, người nuôi cầm chắc lỗ ít nhất 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, do doanh nghiệp mua cá trả chậm, người dân còn gánh thêm lãi suất phải trả cho ngân hàng. “6 tháng đầu năm nay, giá nhiều loại nông sản xuất khẩu đã giảm 15- 25%. Đã thế, một số nước còn nâng tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu khiến nông sản của ta khó tìm được đầu ra”, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho hay.
Đối với những loại cây trồng, tốc độ tăng năng suất đã chậm lại. Trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, dịch bệnh và việc sử dụng chất cấm đang dẫn tới sự bất ổn về năng suất và thu nhập. Hệ thống tổ chức sản xuất nông nghiệp trì trệ, chậm đổi mới. Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp ngày càng giảm: Giai đoạn 1995 - 2000 đạt 4%/năm; giai đoạn 2001- 2005 giảm xuống còn 3,83%; giai đoạn 2006- 2010 còn 3,3% và đến năm 2012 còn 2,72%. (Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT) |
Tương tự, ngành chăn nuôi cũng đang bước vào những ngày tháng khó khăn chồng chất. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 6,5 triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước đang “than trời” về đầu ra, giá bán xuống thấp, xuống sâu và xuống lâu. Trong khi đó, giá bình quân của đa số những loại nguyên liệu đầu vào đồng loạt “tăng dần đều”. Người chăn nuôi đã khó càng khó hơn khi đơn độc trong vòng xoáy giá xuống thấp, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ khó khăn, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất chăn nuôi… Là thủ phủ của ngành chăn nuôi lợn, với tổng đàn lên đến 1,2 triệu con, nhưng vào thời điểm này, rất nhiều hộ chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đã quyết định “treo chuồng” vì thua lỗ.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, mỗi năm, mỗi nông hộ chỉ tích luỹ được từ 5- 8 triệu đồng. Chỉ tính từ năm 2006 - 2012, đã có hơn 20% số hộ nông dân giảm chi tiêu về lương thực, thực phẩm. Và chính vì vậy mà người nông dân khi gặp thiên tai luôn là đối tượng đầu tiên chịu nhiều thiệt thòi.
“Gần 50% dân số các tỉnh miền Tây Nam Bộ có thu nhập chưa tới 1 USD/ngày. Nếu một hộ gia đình có 5 người trồng 1 ha lúa, đạt năng suất từ 10-12 tấn/năm; sau khi trừ chi phí sẽ còn khoảng 6 tấn. Nếu lấy giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg thì thu nhập của mỗi người cũng chỉ được trên dưới 500.000 đồng/tháng. Hiện nay, chính sách của Nhà nước mới chỉ hỗ trợ nông dân khi có thiên tai, nạn đói xảy ra. Với việc tìm kiếm phương thức mưu sinh hay làm giàu, hơn 60% nhà nông phải tự thân vận động phục hồi kinh tế gia đình mà ít nhận được sự hỗ trợ nào từ phía các ngành chức năng”, ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long phân tích.
Bài và ảnh:Lê Nghĩa
Bài 2: Chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung