Nhận diện nút thắt để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam

Do tác động của dịch COVID-19, thời gian qua chuỗi cung ứng thị trường xuất nhập khẩu nông, thủy sản Việt Nam đã bị gián đoạn. Từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình này đã từng bước cải thiện do các nước châu Âu và các nước trong khu vực đang dần mở cửa trở lại đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để có thể đẩy mạnh được xuất khẩu nông, thủy sản và khơi thông được hàng hóa, các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu. Vì hiện nay, nông, thủy sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang bùng phát trở lại.

Chú thích ảnh
Ngày 26/6 tại TP Hồ Chí Minh, Báo Hải quan đã phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tọa đàm tìm ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cùng các ban ngành địa phương đã triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam; đồng thời tìm kiếm các đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường thế giới nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung. Cụ thể, đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều Bắc Giang qua thị trường Nhật Bản; quả thanh long Bình Thuận qua thị trường châu Âu, Mỹ; quả chanh dây (chanh leo) qua thị trường Canada...

Dù vậy, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho rằng so với các đối thủ cùng phân khúc thị trường, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh do chưa đáp ứng các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính như ư Mỹ, Nhật, châu Âu, châu Úc. Cụ thể, sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam chủ yếu sản phẩm xuất thô do công nghệ chế biến, bảo quản... còn lạc hậu; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, vẫn còn dư lượng thuốc; mạng lưới phân phối trong và ngoài nước còn yếu… 

Chú thích ảnh
Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tại thị trường châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Nhưng trong thời điểm hiện nay, dịch COVID-19 đang là cơ hội, lợi thế để Việt Nam có thể cạnh tranh với các đối thủ do các nước đang phải lo đối phó với dịch bệnh, trong khi đó tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, trước mắt doanh nghiệp  vẫn phải chăm lo nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu sử dụng hóa chất, tiến tới xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật theo chuẩn quốc tế để cạnh tranh với các nước, đẩy mạnh các kênh phân phối hàng hóa trong và ngoài nước với những sản phẩm đảm bảo, uy tín đồng đều về chất lượng…”, bà Vũ Kim Hạnh nói.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết ngay từ đầu năm, xuất khẩu nông sản của nước ta bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19.  Tại các nước tiêu thụ nhiều nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, châu Âu... đã bị hủy hoặc chậm giao hàng, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp nông sản, thủy sản Việt Nam. Sắp tới, để khôi phục lại việc xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam, ngành Hải quan sẽ tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa các thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng kê khai hải quan điện tử... nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước. Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tuần từ 15-20/6: Nhiều loại nông sản giảm giá
Tuần từ 15-20/6: Nhiều loại nông sản giảm giá

Tuần qua (từ ngày 15/6 đến 20/6), giá lúa nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ, từ 100 - 150 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá cà phê cũng diễn ra tình trạng đi xuống, giá tiêu tiếp đà giảm nhưng với tốc độ chậm hơn sau khi lao dốc mạnh vào những tuần trước đó. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN