Cuộc tuyển cử ngày 22/9 tại Đức không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng với riêng nước này mà còn với cả châu Âu, bởi Đức là thành viên hàng đầu của Liên minh châu Âu, có tiếng nói quan trọng trong các quyết sách nhằm giải quyết cuộc khoảng nợ trong Khu vực Eurozone.
Những nước thành viên Eurozone đã được cứu trợ với những điều kiện khắt khe đang chờ xem liệu bà Angela Merkel, người sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ ba, có mềm dẻo hơn trong chính sách châu Âu, sức ép khắc khổ có được giảm bớt và tăng trưởng kinh tế có được ưu tiên hơn?
Thủ tướng Đức Angela Merkel mừng chiến thắng tại trụ sở của đảng CDU ở thủ đô Berlin sau cuộc bầu cử. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thắng lợi lịch sử Trong cuộc bầu cử, liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel đã giành được số phiếu cao nhất, với tỷ lệ 41,5%. Thắng lợi của bà Merkel được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử bởi bà là vị lãnh đạo châu Âu duy nhất giữ được ghế qua cơn bão khủng hoảng kinh tế. Chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Merkel trong nhiệm kỳ qua đã gây ra phản ứng của nhiều người tại các nước gặp khủng hoảng và giờ đây bà Merkel quay trở lại với quyền lực lớn hơn nhiều so với trước.
Trước hết, sự vững vàng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong bối cảnh nhiều nước khác lao đao vì khủng hoảng có lẽ là một trong những yếu tố khiến người dân Đức tiếp tục giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước cho bà Merkel. Trong quý II vừa qua, tăng trưởng kinh tế Đức đạt mức 0,7%, sau khi trì trệ trong quý I và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp 6,8%. Trong khi đó, ngân sách quốc gia chuẩn bị hoàn thành mục tiêu tái cân bằng.
Khác với Anh và Pháp, Đức vẫn "chắc chân" với mức tín nhiệm 3 chữ A. Viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã dự báo kinh tế nước này sẽ lấy lại được sức mạnh trong năm 2014, với mức tăng trưởng đạt 1,7%,so với mức thấp là 0,4% trong năm 2013.
Bên cạnh đó, việc khủng hoảng nợ công châu Âu đã dịu bớt một phần nhờ gói giải pháp toàn diện do Đức khởi xướng cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nền kinh tế Eurozone bước đầu đã có dấu hiệu phục hồi cũng là một cơ sở quan trọng để Thủ tướng Merkel thêm quyết tâm theo đuổi những gì bà đã thực hiện thời gian qua.
Rõ ràng, một trong số những công lao của bà Merkel là đã dẹp bỏ được những đồn đoán về khả năng Hy Lạp phải khăn gói rời khỏi Eurozone và hóa giải nguy cơ tan vỡ của liên minh tiền tệ này. Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu gần 4 năm trước, nước Đức giàu có đã chi 73 tỷ USD cứu trợ Cyprus (Síp) và công khai hoặc ngầm hỗ trợ hàng trăm tỷ euro nữa theo dạng tái cơ cấu nợ và những nỗ lực kích thích kinh tế của ECB.
Kỳ vọng thay đổi chính sách châu Âu Từ khi khủng hoảng nợ công nổ ra, Đức luôn kiên quyết yêu cầu các nước phải đi theo con đường giảm thâm hụt ngân sách và giải quyết vấn đề nợ công. Đức muốn các nước thành viên Eurozone được cứu trợ phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu ngân sách, cắt giảm phúc lợi xã hội, cải cách triệt để nền kinh tế và tuân thủ nhiều điều kiện ràng buộc do chủ nợ đưa ra.
Nhiều người cho rằng đường lối "cứng rắn" đó của Chính phủ Đức đã đẩy các thành viên yếu kém nhất trong khối vào chân tường. Nhiều kế hoạch khắc khổ đã liên tiếp ra đời tại các quốc gia đó, kéo theo những hậu quả tai hại về phương diện xã hội mà lại không có lợi cho tăng trưởng kinh tế.
Vì phải thực hiện các biện pháp khắc khổ, kinh tế 17 nước sử dụng đồng euro đã sụt giảm 0,6% trong năm 2012, và có thể sẽ lại giảm trong năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone trong tháng 7 vừa qua vẫn cao kỷ lục là 12,1% và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 24%. Trong khi đó, vì không thể tăng trưởng kinh tế trong khi cả khu vực tư lẫn công đang cắt giảm chi phí, các vấn đề thâm hụt ngân sách của các nước Nam Âu trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải là tốt hơn như mong đợi. Trong 6 tháng đầu năm 2013, thâm hụt ngân sách của Italy là 2,7% GDP, cao hơn nhiều so với con số 1,9% của cùng kỳ năm 2012. Nguồn thu thuế của Tây Ban Nha cũng đã giảm gần 7% kể từ năm 2012.
Trong bối cảnh đó, điều người ta chờ đợi là đối tác chính trị của liên minh CDU/CSU sẽ dễ dãi hơn với các nước đang gặp khó khăn. Nhiều nước châu Âu của Đức xem việc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cấp tiến tham gia chính quyền trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của bà Merkel như một tin vui. Nhiều người kỳ vọng Đức sẽ quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng của Eurozone.
Cựu Thủ tướng Italy, Mario Monti, tin tưởng là quan hệ giữa Đức và các đối tác châu Âu sẽ được cải thiện. Đương nhiên, nước Đức sẽ tiếp tục yêu cầu các đối tác thực hiện chính sách khắc khổ, giảm chi tiêu công cộng để tránh bị đe dọa mất khả năng thanh toán, nhưng đồng thời chính phủ liên minh sắp tới sẽ chú trọng nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng.
Thực tế là từ nhiều tháng qua bà Merkel đã bắt đầu bớt cứng rắn hơn với các đối tác trong Eurozone vốn đang điêu đứng vì khủng hoảng. Bà Thủ tướng Đức đã kêu gọi EU phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên khi tại một số quốc gia như là Tây Ban Nha hay Hy Lạp có đến gần một nửa số thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 không có việc làm. Với sự đồng thuận của Đức, Ủy ban châu Âu đã cho một số nước thành viên trong Eurozone thêm thời hạn để hoàn thành mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP theo quy định.
Chính sách vẫn "rắn" ? Tuy nhiên, theo giới quan sát, bất luận được hình thành trên nền tảng liên minh nào chính phủ mới của Đức chắc chắn vẫn sẽ thận trọng và cứng rắn trong chính sách đối với Eurozone. Một chuyên gia thuộc ngân hàng Deutsche Bank cho rằng lập trường của Đức sẽ không thay đổi nhiều bởi đảng CDU và SDP gần như là đã có cùng một tiếng nói trong cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, mặc dù SPD có chỉ trích bà Merkel quá coi trọng mục tiêu cân bằng ngân sách, để gây ra nhiều hậu quả tai hại về phương diện xã hội cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn. SDP ủng hộ khả năng các nước sử dụng đồng tiền chung cùng phát hành trái phiếu chung, gọi là “eurobond” do ECB bảo lãnh. Thế nhưng, đại đa số người dân Đức lại không tán đồng quan điểm này. Nói cách khác, SDP không dễ dàng nới lỏng chính sách khắc khổ đối với các đối tác châu Âu.
Trả lời báo giới sau khi giành thắng lợi bầu cử về việc liệu Đức giờ đây có linh hoạt hơn trong những yêu cầu cải cách cơ cấu và cân bằng ngân sách đối với các nước đối tác trong khu vực hay không, bà Merkel nói chính sách châu Âu của Đức sẽ không thay đổi. Lập luận của bà Merkel là nước Đức đã từ chỗ bị coi là một quốc gia ốm yếu ở châu Âu một thập niên trước trở thành cái neo cho sự ổn định của khu vực thì các nước khác cũng có thể làm được điều đó bằng việc quyết tâm thực hiện các cải cách.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, bà nói việc yêu cầu cải cách đối với các nước thành viên Eurozone đã được cứu trợ là cách duy nhất để tăng khả năng cạnh tranh của châu Âu, với việc viện dẫn rằng tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm từ mức kỷ lục thời hậu chiến là 12,1% năm 2005 xuống mức thấp hiện nay chính là nhờ đã cải cách thị trường lao động.
Một khả năng cao là chính phủ mới ở Đức sẽ dành ưu tiên hơn nữa cho các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Âu. Tuy nhiên, bà Merkel kịch liệt phản đối bất kỳ hình thức đánh đồng nợ của Đức với nợ của các nước châu Âu khác, điều mà các đảng trung hữu phần nào ủng hộ hơn. Bà nói đã có sự nhất trí về việc tăng cường đầu tư nhằm giải quyết nạn thất nghiệp trong giới trẻ và các vấn đề khác. Và ngay sau khi Đức có chính phủ mới, các cuộc thảo luận về hàng loạt các vấn đề nhạy cảm và phức tạp, như thành lập liên minh ngân hàng vốn đã bị trì hoãn bấy lâu nay sẽ được khởi động trở lại.
Nhiều người ở châu Âu vẫn cho rằng Đức nên tiếp tục cam kết cứu trợ - như là một cái giá cho việc giữ được đồng euro không chết chìm. Nhưng người Đức đã phản bác lại lối suy nghĩ đó, cho rằng họ không có trách nhiệm mãi mãi hỗ trợ tài chính cho các nước láng giềng chi tiêu quá mức. Người Đức nói rằng giá như các nước châu Âu khác sớm đi theo tấm gương của Đức là kiềm chế chi tiêu, cắt giảm ngân sách và thực hành biện pháp khắc khổ thì đã không có một cuộc khủng hoảng nợ mà nước Đức đang phải ghé vai vào gánh vác.
Lê Minh (Tổng hợp)