Chồng lấn quy hoạch
Tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất (Hà Nội), từ năm 2008, thành phố Hà Nội đã quy hoạch Khu đô thị Thạch Phúc (sau đổi tên thành Khu đô thị sinh thái Phúc Thọ) bên cạnh tuyến đường trục Bắc - Nam thành phố, với diện tích khoảng 297 ha. Tuy nhiên, hiện nay khu đô thị trên chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và người dân vẫn sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Khuất Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, trong thời gian vừa qua, địa phương muốn lập lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp thì vướng vào quy hoạch khu đô thị kể trên. Chính vì vậy, nhiều hộ dân địa phương không thể chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang mô hình trang trại. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn trong việc đầu tư kênh mương thủy lợi để phục vụ phát triển nông nghiệp vì nằm trong quy hoạch khu đô thị.
"Địa phương mong muốn chính quyền thành phố tháo gỡ khó khăn, khu đô thị có triển khai hay không, thời điểm nào triển khai để chính quyền nắm được, còn thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu tuân thủ quy hoạch, người dân sẽ rất khó sản xuất nông nghiệp do thiếu hệ thống tưới tiêu thủy lợi", ông Khuất Văn Trung bức xúc.
Qua quá trình giám sát về quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại các huyện trên địa bàn thành phố thời gian qua, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, quy hoạch có vai trò định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch đang tồn tại nhiều bất cập, ngoài chồng lấn quy hoạch còn có tình trạng một số huyện chưa xây dựng triển khai quy hoạch vùng huyện; chưa hoàn thành cắm mốc, đặc biệt mốc phân định giữa đô thị và nông thôn.
Đáng chú ý, một số huyện trên địa bàn thành phố có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với nhiều tiêu chí, song việc quy hoạch trường học, nhà trẻ, làng nghề, cụm công nghiệp chưa phù hợp với bán kính phục vụ người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Quân, có một số nơi mạng lưới đường giao thông trong các làng xóm thường được thực hiện một cách tùy tiện, thiếu tính khoa học thực tiễn. Từ đó dẫn đến nơi cần đường thì thiếu đường, nơi cần tiết kiệm diện tích đất để xây dựng thì mật độ đường lại quá cao và hiệu quả sử dụng đất thấp.
Cùng với những bất cập về hạ tầng kỹ thuật, ông Quân cho rằng, do chưa có quy hoạch nên hệ thống di tích lịch sử văn hóa cảnh quan môi trường cũng chưa được quan tâm quy hoạch để bảo tồn tôn tạo. Hệ quả, một số nơi có tình trạng lấn chiếm, lạm dụng di tích mà chưa có giải pháp để bảo vệ.
Đáng quan ngại, nhiều huyện chưa có hướng dẫn về cảnh quan kiến trúc nên dẫn tới việc xây dựng diễn ra lộn xộn, không có khoảng lùi cho công trình, chia nhỏ khoảnh vườn để bán làm nhà ở dẫn tới gia tăng về dân số, tạo áp lực hạ tầng cho khu vực nông thôn.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên nhân của những bất cập kể trên là năng lực chuyên môn của một số cán bộ làm quy hoạch ở cấp huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc đào tạo cán bộ, các huyện trên địa bàn cũng cần tính toán tới việc thuê tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, bất cập quy hoạch cũng bắt nguồn từ công tác quản lý. Một số chính quyền xã đã buông lỏng quản lý dẫn tới nhà dân xây lấn đường khiến đường nhỏ hẹp, ảnh hưởng tới phát triển.
Khẩn trương gỡ vướng
Quy hoạch ở khu vực nông thôn địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều bất cập nhưng theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quy hoạch là lĩnh vực khó, thành phố đã và đang tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn song chưa bao giờ hết thách thức và bất cập. Cho nên, cần phải coi việc điều chỉnh rà soát quy hoạch là công việc thường xuyên, liên tục nhằm giúp thành phố phát triển tốt hơn.
Đề cập đến công tác quy hoạch sẽ định hướng cho thành phố phát triển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tăng cường giám sát công tác xây dựng quy hoạch. Mặt khác, thành phố tập trung, điều chỉnh cơ cấu, chức năng, chỉ tiêu đô thị. Trước việc kinh phí thấp ảnh hưởng đến đồ án quy hoạch nông thôn, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, dù đơn giá định mức cho công tác lập quy hoạch lại rất hạn hẹp, song thành phố đang tập trung tháo gỡ việc này bằng việc mời gọi các nhà tài trợ cho công tác quy hoạch.
Trên thực tế, tại thành phố Hà Nội, có nhiều nơi tại khu vực nông thôn, việc quy hoạch chưa được quan tâm. Nhiều huyện không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc. Hơn nữa, nhiều địa phương đã thuê tư vấn quy hoạch nhưng cán bộ các phòng ban cũng không có đủ trình độ nhận biết, thẩm định tư vấn quy hoạch chất lượng tốt hay chưa tốt.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, các ngành chức năng cần thiết phải phân chia các vùng trong nông thôn để ứng xử quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo được yêu cầu, nhất là đối với những vùng nông thôn đang đô thị hóa mạnh.
"Nếu không làm tốt quản lý quy hoạch sẽ ảnh hưởng lớn tới bộ mặt đô thị", ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh và chỉ ra cần phải nâng cao chất lượng tư vấn quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, thành phố tổ chức tập huấn, nâng cao chuyên môn cho cán bộ làm quy hoạch ở cấp huyện. Hội đồng nhân dân thành phố sẽ kiến nghị với các cơ quan liên quan có cơ chế đặc thù về kinh phí cho công tác quy hoạch.
Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội nhận định, ngoài yếu tố về con người, muốn làm tốt việc quy hoạch vùng nông thôn cũng cần có sự điều chỉnh các nghị định, luật, văn bản.
Dẫn chứng cho điều này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội chỉ ra, Nghị định số /2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị nhưng chưa có quy định cụ thể về quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với khu vực nông thôn. Còn Luật Xây dựng năm 2014 không có quy định về quy hoạch chung xây dựng huyện, chỉ có quy định về quy hoạch xây dựng vùng liên huyện nên dẫn đến khó thực hiện tại các huyện trên địa bàn.
Vì vậy, để làm việc quy hoạch đạt chất lượng cao, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội cũng đề nghị thành phố Hà Nội kiến nghị với các ngành Trung ương, Chính phủ xem xét, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho việc lập quy hoạch nông thôn ở Hà Nội để công tác quy hoạch đáp ứng được yêu cầu "đi trước một bước".