Qua khảo sát ý kiến, đa phần cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá rất cao việc Chính phủ tiếp tục giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ, chủ trương về cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Doanh nghiệp đến bộ phận “một cửa” Cục Thuế tỉnh Quảng Trị nhờ tư vấn lĩnh vực thuế. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Qua đó, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Mục tiêu đặt ra là cắt bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong quý III/2017, Tổ công tác của Thủ tướng đã rà soát và đánh giá việc kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; đồng thời, làm việc và có những chỉ đạo quyết liệt về việc cải cách việc kiểm tra chuyên ngành tại các bộ như Bộ Công Thương, Y tế và thành phố Hải Phòng.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, tổ công tác đã tham mưu cho Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan, hoàn thành trước tháng 6/2018.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về kiểm tra chuyên ngành như đã báo cáo tại các văn bản nêu trên, sớm ban hành để thực hiện, bảo đảm có hiệu quả thực tế, tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, về phía Bộ Công Thương, đã ban hành Quyết định 3610a/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018. Theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 25% so với trước đây. Cụ thể như thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án giảm từ 30 ngày xuống 25 ngày làm việc (giảm 5 ngày); thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc; thời gian về cấp phép xây dựng giảm từ 7 - 10 ngày, thời gian về kiểm tra nghiệm thu giảm 10 - 20 ngày so với trước đây.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực do Bộ quản lý theo hướng tránh chồng chéo, giảm đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu.
Theo đó, chỉ thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu đối với các loại hàng hóa có nguy cơ lây lan dịch bệnh (kiểm dịch thực vật; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, thủy sản); đối với các loại hàng hóa chỉ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện theo hướng quản lý rủi ro sau thông quan.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn những cam kết cắt giảm các rào cản, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp mà các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành sẽ nhanh chóng đạt kết quả, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn đặt ra.
Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, song còn không ít khó khăn và vướng mắc vẫn đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Lộc cho biết, VCCI đang tiếp nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về một số nội dung liên quan tới dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế gồm: Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật Thuế Tài nguyên của Bộ Tài chính.
Hay như việc tăng lương tối thiểu vùng, chi phí bảo hiểm xã hội cần cân nhắc và có lộ trình phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp; Chính phủ cần tiếp tục có chính sách nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất, giảm chi phí lao động, nhất là đối với các ngành đang sử dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, da giày... Doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế, hải quan, hay tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải phóng mặt bằng...