Tuy nhiên, về dài hạn doanh nghiệp vẫn cần hoạch định chiến lược và bước đi cụ thể để vượt qua rào cản thương mại nhằm gia tăng xuất khẩu và phát triển bền vững.
Bị động trong tự vệ Trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại.
Cách đây vài năm khi Việt Nam mới tham gia các tổ chức thương mại nói chung cũng ký kết các FTA nhưng nhận thức của doanh nghiệp về công cụ phòng vệ thương mại rất hạn chế.
Thời gian qua, có nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với thép dây cuộn. Trong ảnh: Sản phẩm dây thép của Công ty cổ phần Dây lưới thép Nam Định. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Số liệu thống kê cho thấy, có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam có kiến thức và kỹ năng hiểu biết về phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, trong khoảng 1-2 năm trở lại đây sau khi Việt Nam chịu các tác động tiêu cực từ việc hàng hóa nước ngoài gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam rất mạnh, nhất là các thị trường sát nách như Trung Quốc, Malaysia và Indonesia thì việc phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thừa nhận: Đến nay đã có hơn 120 vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam do nước ngoài khởi xướng điều tra ở nhiều thị trường như Hoa Kỳ, EU, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia.
Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại cũng cho thấy: Riêng giai đoạn 2016 - 2017, có tới 23 vụ kiện phòng vệ thương mại; trong đó, nổi bật là Australia với 6 vụ liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp với nhôm ép và thép mạ kẽm, thép dây cuộn và tháp gió.
Nhận định từ các chuyên gia, đây là giai đoạn "bùng nổ" của các vụ kiện từ phía Australia đối các doanh nghiệp Việt. Nguyên nhân cũng bởi Australia là một trong những nước tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trên thế giới. Dù vậy, Việt Nam đã xử lý tốt hai vụ kiện đối với mặt hàng nhôm ép và thép mạ.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu rõ: Hiện nay, mức độ áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với thương mại (TBT) rất đa dạng và phức tạp, đặc biệt là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản có rất nhiều biện pháp TBT với mức độ rất phức tạp.
Chẳng hạn như đối với sản phẩm dệt may, Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường lớn của xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là các thị trường khó tính nhất với rất nhiều quy định về TBT.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, Hoa Kỳ có trên 60 quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm dệt may về phân loại sản phẩm dệt may, gắn nhãn hiệu, biểu tượng, chỉ dẫn xử lý quần áo; tiêu chuẩn chống cháy đối với sợi và thảm len, tiêu chuẩn chống cháy cho quần áo ngủ, quần áo trẻ em…
Ngoài ra, EU cũng có trên 80 quy chuẩn kỹ thuật như: nhãn EC, quy định về nhãn mác; quy định về về đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất (REACH), quy định về nhãn sinh thái (EU ecolabel, nhãn tiêu chuẩn OKO-Tex 100...), quy định về truy xuất nguồn gốc.
Công cụ hữu hiệu Để có thể kháng kiện thành công tại các thị trường xuất khẩu, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng cáo buộc của nguyên đơn về chương trình trợ cấp và PMS (tình trạng thị trường đặc biệt).
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin và giải trình chương trình bị cáo buộc cho cơ quan điều tra.