Nhiều chung cư nội đô phá quy hoạch

Nhiều dự án chung cư nằm lọt trong những ngõ nhỏ 3 - 4 m hay những khu vực vốn đã quá tải của Hà Nội đang gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng của thành phố.

Điều đáng nói là, mặc dù Luật Thủ đô cũng như quy hoạch Thủ đô đã có quy định hạn chế chung cư cao tầng ở nội đô nhưng không hiểu vì lí do gì chung cư cao tầng vẫn mọc lên như nấm.

Áp lực lên hạ tầng ngày càng lớn

Chung cư P3 Phương Liệt (quận Thanh Xuân) gần khu vực ngã tư Vọng được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Con đường dẫn vào tòa chung cư chỉ rộng khoảng 4 m, cách điểm giao cắt với tàu hỏa chưa đầy 10 m. Do đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên diễn ra tại đây. Một người dân sống gần đây cho hay, cứ mỗi lần tan tầm thì ô tô, xe máy chen nhau từng mét một qua đoạn đường ngang giao cắt. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn mỗi khi có tàu chạy qua.

Những chung cư cao tầng mọc lên ở nội đô gây quá tải hạ tầng cho thành phố.

Điều đáng nói là chung cư này không hề có hạ tầng giao thông riêng mà kết nối trực tiếp vào hạ tầng giao thông của khu vực. Do vậy áp lực giao thông càng lớn hơn. “Hôm nào nhỡ có đi sau 7 giờ 30 thì thà quay về nhà đợi thêm lúc nữa mới đi bởi chắc chắn tắc đường”, một người dân sống ở khu vực này cho hay.

“Từ quy hoạch chung năm 1998 đến quy hoạch năm 2011 đều nói giảm dân số ở khu nội đô lịch sử. Như vậy khi cấp phép cho một công trình cần xem xét công trình đó có thuộc diện được chấp thuận triển khai sau yêu cầu tạm dừng của Thủ tướng năm 2010 không”

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội

Tại tuyến đường Trường Chinh dài hơn 2 km, trong khi dự án mở rộng đường vẫn ì ạch chưa xong thì dọc hai bên đường, những cao ốc đang đua nhau mọc lên như dự án đầu ngõ 102 Trường Chinh, số Trường Chinh, tổ hợp chung cư, văn phòng cho thuê tại ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn, dự án chung cư 317 Trường Chinh... Như vậy viễn cảnh đường càng mở rộng càng tắc đã có thể thấy rõ.

Khu vực phía Nam trung tâm Hà Nội với các tuyến đường Minh Khai, Lĩnh Nam, Tam Trinh cũng đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Hàng ngày vào giờ cao điểm, dòng người xe chen chúc trong khói bụi di chuyển từng centimet. Theo Công ty nghiên cứu bất động sản CBRE, lượng mở bán mới trong quý III/2015 tại khu vực phía Nam Hà Nội (quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai) chiếm khoảng 48% tổng lượng mở bán mới. Tuy tốc độ đô thị hóa rất mạnh nhưng hạ tầng giao thông của khu vực này lại rất đáng báo động.

Riêng quận Hoàng Mai, theo thống kê, hiện có tới khoảng 100 dự án đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai. Như đường Lĩnh Nam - trục đường huyết mạch của quận Hoàng Mai, hai bên đường có rất nhiều dự án bất động sản đang và sắp được triển khai. Tuy nhiên đến thời điểm này, dự án mở rộng đường này vẫn... án binh bất động.

Những bất cập trong quản lý đô thị như quy hoạch hệ thống cấp thoát nước yếu kém, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ trong khi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều đã khiến nhiều người dân bức xúc. Những khu vực mật độ dân số lớn, lại mọc thêm những chung cư với hàng nghìn người sinh sống sẽ khiến cho sự quá tải về giao thông càng trở nên khó kiểm soát.

Ai cho phép nhồi nhét cao ốc?

Nhìn lại năm 2010, sau khi có lệnh dừng các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã rà soát và tiến hành lập quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Sau đợt rà soát các cao ốc tại khu vực trung tâm, Hà Nội đã đưa ra các biện pháp nhằm siết chặt quản lý nhà cao tầng. Nhưng thực tế là hàng loạt dự án cao ốc vẫn đua nhau mọc lên. Thậm chí, nhiều dự án đã tự ý điều chỉnh theo hướng tăng chiều cao, tăng mật độ xây dựng gây áp lực lớn cho hạ tầng.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quận Đống Đa cho hay, trong 4 quận nội thành cũ thì Đống Đa có nhiều dự án cao ốc nhất. “Các dự án 10 tầng trở lên đều do thành phố phê duyệt, các sở cấp phép, gây áp lực rất lớn cho giao thông và gây khó khăn cho quản lý”, ông này cho biết.

Chưa kể, còn có không ít các công trình, dự án xây vượt quá số tầng cho phép hoặc tự ý tăng diện tích xây dựng gây bức xúc dư luận. Mới đây, trả lời chất vấn về các vấn đề dân sinh bức xúc tại kì họp 14 HĐND thành phố, văn bản của UBND thành phố đã nêu tên 10 công trình xây dựng sai phạm nổi cộm như dự án Sky City 88 Láng Hạ, dự án 50 Yên Hòa, 8B Lê Trực, 93 Lò Đúc, 8 Lý Nam Đế...

Lãnh đạo thành phố cho biết sẽ xử lý nghiêm để làm gương. Tuy nhiên, từ câu chuyện này mới thấy các thanh tra xây dựng chưa làm tốt vai trò của mình. Không thể có chuyện tòa nhà cao lừng lững giữa nội đô xây vượt số tầng mà thanh tra không biết. Dư luận có quyền nghi ngờ việc thanh tra “nhắm mắt làm ngơ” cho sai phạm.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc kiểm soát, hạn chế nhà cao tầng khu vực nội đô của Hà Nội chưa được thực hiện nghiêm. “Quy hoạch chung, Luật Thủ đô hay chủ trương hạn chế nhà cao tầng để giảm tải cho nội đô thì đã có nhưng người lãnh đạo cần thực hiện nghiêm”, ông Liêm nói.

Ông Liêm cho rằng, nếu cứ để tình trạng chung cư xây vượt chiều cao diễn ra thì sẽ đi ngược với chủ trương kiểm soát nhà cao tầng giảm tải cho nội đô, khiến mất cân bằng về hệ thống hạ tầng cơ sở, gia tăng ùn tắc giao thông. Đặc biệt là mục tiêu hạn chế tăng dân số vào khu vực trung tâm, khu phố cổ Hà Nội theo yêu cầu của Quy hoạch chung năm 1998 sẽ không thành hiện thực.
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Để cư dân yên tâm ở chung cư
Để cư dân yên tâm ở chung cư

Sau loạt bài “Chung cư phát triển nhanh, quản lý chậm” đăng trên báo Tin Tức từ ngày 24 - 26/11, phóng viên ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi nhằm đưa việc quản lý chung cư vào quy củ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN