Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục "thẻ vàng" của EC đối với thủy sản Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều nay (23/4) tại Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh đến các giải pháp thực hiện các khuyến nghị của EC gồm: Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống khai thác IUU (IUU là quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp của EU)); Tổ chức triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào một số nội dung trọng tâm liên quan tới chống khai thác IUU; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức ngư dân và các địa phương về chống khai thác IUU.
Một số ý kiến cho rằng, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa địa phương và các lực lượng như: Cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân, bộ đội biên phòng... để kiểm soát tàu cá; sớm lắp đặt hệ thống thông tin trên các tàu cá để tăng cường kiểm tra, giám sát và đầu tư hạ tầng cơ sở nghề cá đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Việc ách tắc trong quy trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản gặp khó, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Các lô hàng xuất khẩu sang EU đều bị kiểm tra khiến doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí và hệ luỵ. Bên cạnh đó, uy tín của ngành Khai thác hải sản của Việt Nam cũng bị tác động tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định quyết tâm của Việt Nam là khắc phục được “thẻ vàng” của EC, từ đó hình thành nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, tiến đến xây dựng ngành kinh tế thuỷ sản phát triển bền vững. Việc EC áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi nhận thức và hướng tới nghề cá phát triển bền vững; chấn chỉnh lại việc quản lý tài nguyên biển.
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, mặc dù EC đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam khắc phục “thẻ vàng” về IUU, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các yêu cầu liên quan đến quản lý tàu cá đánh bắt trên biển và quản lý các tàu cập cảng để truy xuất nguồn gốc hải sản rõ ràng. Đây cũng là những vấn đề mà các địa phương, doanh nghiệp có kiến nghị cần phải tháo gỡ trong thời gian sớm nhất và đang tập trung khắc phục khó khăn.
Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây, đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai những nội dung gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác. Sau khi kiểm tra, nếu kết quả không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, nguy cơ cao thủy sản sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.
Điều này đồng nghĩa với việc 28 quốc gia trong Liên minh châu Âu sẽ không nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.