Ông Nguyễn Văn Thiên, chuyên viên Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định thông tin, theo quy định các tàu thuyền phải báo trước cho chúng tôi trước 2 tiếng mỗi khi tàu rời cảng hoặc cập cảng và phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin để cán bộ văn phòng đối chiếu, kiểm tra nếu bảo đảm đầy đủ các điều kiện thì được đóng dấu vào giấy xác nhận đi biển song nhiều chủ tàu vẫn chưa chấp hành theo quy định.
Theo thống kê của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định, từ tháng 5 - 12/2018 có 848 lượt tàu khai báo thông tin trước khi tàu cá xuất bến tại cảng cá Ninh Cơ và 1.054 lượt tàu kê khai nguồn gốc, xuất xứ các loại thủy, hải sản khi về bến với tổng sản lượng trên 9 tấn. Còn trong gần 3 tháng đầu năm 2019 mới chỉ có trên 30 tàu khai báo các thông tin khi xuất bến và về bến.
Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định cho biết, mặc dù đã được tuyên truyền đầy đủ, thậm chí còn có hệ thống camera tại cầu cảng cá để theo dõi các hoạt động ra, vào bến của tàu thuyền 24/24 giờ nhưng nhiều chủ tàu thuyền vẫn giữ thói quen cũ đó là ra, vào tự do không khai báo thông tin về tàu, dữ liệu đánh bắt thủy, hải sản, gây khó khăn cho việc truy suất nguồn gốc.
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ tàu hoặc thuyền trưởng của các tàu đánh bắt xa bờ phải có trách nhiệm ghi sản lượng khai thác thủy, hải sản từng chuyến trong nhật ký khai thác. Đây là quy định bắt buộc, nếu ngư dân đánh bắt không ghi chép nhật ký khai thác thì cơ quan chức năng sẽ không xác nhận, doanh nghiệp có quyền không thu mua sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Mười, hiện nay một số chủ tàu trình độ hạn chế, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khai thác hợp pháp, không quan tâm đến "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, vì nhiều tàu trước khi về bến đã bán sản phẩm cho các tàu hậu cần ngoài khơi hoặc bán sản phẩm nhỏ lẻ cho các thương lái dẫn đến việc ghi, nộp sổ nhật ký khai thác mỗi khi cập cảng rất hời hợt hoặc có ghi nhật ký đánh bắt thì cũng theo kiểu đối phó.
Ông Vũ Viết Cương, chủ tàu NĐ - 95678-TS tại xã Hải Triều, huyện Hải Hậu lý giải, công việc đánh bắt hàng ngày trên biển rất vất vả, việc ghi nhật ký khai thác phải chi tiết, tỉ mỉ khối lượng của từng loại cá, thời gian bắt, vị trí bắt… trong khi đó ở ngoài khơi sóng to, gió lớn các tàu thuyền phải tranh thủ tối đa thời gian giăng từng mẻ lưới nên việc ghi chép nhiều khi chưa được thực hiện đều đặn.
Tỉnh Nam Định có 2.135 tàu thuyền; trong đó, loại từ 90CV trở lên là 721 chiếc, chiếm 33,9% lượng tàu thuyền. Hiện nay, việc quản lý các tàu đánh bắt xa bờ cũng đang gặp nhiều khó khăn do trước khi tàu ra khơi, cơ quan chức năng chỉ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các loại giấy tờ như: sổ nhật ký khai thác, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên… trong khi tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt chủng loại thủy sản gì vẫn chưa thể kiểm soát được.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho hay, thời gian tới, để các ngư dân chủ động khai báo thông tin liên quan đến việc đánh bắt thủy, hải sản, mỗi khi cập bến, rời bến, các ngành chức năng sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền để ngư dân hiểu những lợi ích về mặt kinh tế khi khai báo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngành nông nghiệp, cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền các quy định của Nhà nước về Luật biển Việt Nam, Luật Thủy sản; đồng thời khuyến cáo ngư dân đánh bắt đúng ngư trường quy định và sẽ kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng như không cho đóng mới nếu chủ tàu vi phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.