Bệnh khảm lá virus hại sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh.
Triệu chứng cơ bản điển hình của bệnh khảm là trên lá loang lổ những chấm màu vàng. Mức độ nặng, lá sẽ biến dạng, nhăn nheo, co rúm lại ở các đầu lá. Đây là bệnh gây thiệt hại lớn làm cho sắn không thu hoạch được, hoặc làm giảm năng suất,chất lượng của cây.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Thiện, nguyên nhân xuất hiện phần lớn diện tích bị bệnh trên do nông dân sử dụng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Phòng bệnh khảm trên cây sắn có hiệu quả, ông Nguyễn Chí Thiện khuyến cáo nông dân cần phải thực hiện các biện pháp chọn giống chất lượng như KM94; không sử dụng các loại giống bị nhiễm bệnh: HLS - 11, HLS - 12, KM 419, KM 140; không chọn giống trong vùng có dịch; cần phải luân phiên sang trồng các loại cây khác ở vùng bị bệnh khảm ít nhất một vụ sản xuất; không xuống giống khi trên khu vực có diện tích bị bệnh khảm lá nhằm hạn chế bệnh tiếp tục lây lan gây hại.
Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương thống kê, nắm được danh sách các đơn vị cung cấp dịch vụ trồng sắn trên địa bàn để có biện pháp tuyên truyền về cách chọn giống phù hợp. Qua đó, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận cho nông dân; tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng cho tất cả nông dân có diện tích sắn.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Long An khuyến cáo nông dân cần tích cực thăm đồng, kịp thời phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý, tránh lây lan dịch bệnh. Đối với những diện tích khoai mì dưới 3 tháng tuổi, bị nhiễm bệnh trên 30%, tiến hành tiêu hủy toàn bộ.
Riêng với những diện tích khoai mì trên 3 tháng tuổi bị nhiễm bệnh, tiến hành loại bỏ và tiêu hủy những cá thể bị bệnh; tích cực thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho nông dân các biện pháp phòng tránh bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tổ chức nhân giống và chuyển giao cho nông dân. Tuyệt đối nghiêm cấm việc vận chuyển thân, lá từ vùng đang có bệnh sang các vùng chưa nhiễm bệnh.