Với giá trị lên tới hàng tỷ USD, hai doanh nghiệp trên đã góp phần làm thị trường UpCom của Sở giáo dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trở nên sôi động hơn.
Lễ trao Giấy chứng nhận cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại buổi khai trương giao dịch cổ phiếu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện việc niêm yết hơn 1.227 triệu cổ phiếu HVN. HVN chính thức được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu, ước tính vốn hóa ngày đầu tiên lên sàn của Vietnam Airlines sẽ đạt hơn 34.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% tổng mức vốn hóa thị trường UPCoM.
Cùng ngày, 500 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng sẽ được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng mỗi đơn vị. Giá trị vốn hóa ước tính của tập đoàn Nhà nước ngày đầu tiên giao dịch sẽ đạt hơn 6.750 tỷ đồng. Việc hai doanh nghiệp "khủng" lên sàn cho thấy thị trường UpCom đang làm tốt vai trò của mình với thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục được nâng cao.
Nhìn lại câu chuyện thị trường UpCom năm 2016 có thể nhận thấy, giá trị vốn hóa của sàn UPCoM đã tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2015 (hơn 253 nghìn tỷ đồng/61 nghìn tỷ đồng). Như vậy, cuối năm, giá trị vốn hóa của UPCoM có thể đạt gần 13 tỷ USD. Lúc đó, giá trị vốn hóa UPCoM sẽ gấp đôi so với thị trường niêm yết của HNX hiện nay (khoảng 7 tỷ USD). Về giá trị giao dịch, năm 2016, giá trị giao dịch bình quân đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015. Nhưng so với tiềm năng, dư địa tăng thanh khoản cho UPCoM còn nhiều.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX cho rằng: "Chúng ta hãy làm tốt việc quản lý, giám sát và nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường,thì ắt hẳn thanh khoản của thị trường từ đó cũng sẽ tăng lên".
Minh chứng cho điều này là việc có 2 doanh nghiệp "khủng" lên sàn trong ngày 3/1, khi cổ phiếu HVN đã mau chóng tăng hết biên độ lên 39.200 đồng với dư mua hàng triệu đơn vị. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines lên tới hơn 48.000 tỷ đồng (khoảng 2,15 tỷ USD).
Có thể nhận thấy mức độ hấp dẫn của hai doanh nghiệp trên qua những con số đó là việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã công bố tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines và các công ty thành viên ước đạt trên 76.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với năm trước và vượt 7% kế hoạch năm. Trong đó, Vietnam Airlines ước đạt gần 59.100 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 5,6 lần so với năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước gần 4.900 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm trước.
Hiện Vietnam Airlines đã hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp với cổ đông lớn nhất là Nhà nước với hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương 86,6% vốn điều lệ. Tập đoàn Hàng không Nhật Bản Ana Holding INC là cổ đông chiến lược nắm giữ hơn 107 triệu cổ phiếu, chiếm 8,77% vốn điều lệ.
Ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Là Hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, Vietnam Airlines mang đến thị trường mã chứng khoán của một doanh nghiệp liên tục duy trì tăng trưởng trong hơn 20 năm hoạt động với chỉ số tài chính đều vượt kế hoạch ở mức cao; một hãng hàng không với đội tàu bay trẻ, hiện đại và đặc biệt là hãng hàng không duy nhất ở châu Á – Thái Bình Dương đưa vào khai thác thành công cả hai dòng tàu bay thế hệ mới nhất thế giới là Airbus A350-900 và Boeing 787-9; chất lượng dịch vụ 4 sao theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế; luôn giữ vững chỉ số an toàn liên tục trong nhiều năm".
Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng là 1 trong số 3 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đầu tiên đã tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, là Tập đoàn sở hữu hãng hàng không 5 sao ANA của Nhật Bản với cam kết đồng hành cùng Vietnam Airlines trong quá trình phát triển, hợp tác khai thác mạng đường bay và hỗ trợ nâng cao quản trị doanh nghiệp, hứa hẹn mang đến những đột phá vượt bậc trong dài hạn của Tổng công ty. Ông Minh cho hay.
Sức hấp dẫn của cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu cũng không kém.
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu, Vinatex đang được định giá 6.750 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số 500 triệu cổ phiếu có 120 triệu cổ phiếu của cổ đông chiến lược, chiếm tỷ lệ gần 24% bị hạn chế chuyển nhượng. Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông vào tháng 7/2016, Vinatex có 30 cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu, chiếm 11,01% vốn điều lệ.
Hiện Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất tại Vinatex với tỷ lệ sở hữu 53,49%. Tiếp đến là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 14%, Vingroup sở hữu 10% và cá nhân ông Bùi Mạnh Hưng sở hữu 6%.
Năm 2016, giá trị sản xuất của Vinatex là 37.757 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.477 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2015; tổng doanh thu ước đạt 40.563 tỷ đồng, tăng 3%. Lợi nhuận trước thuế (không tính đơn vị phụ thuộc) đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9%; thu nhập bình quân người lao động đạt 6,69 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với năm 2015.
Có thể nhận thấy, câu chuyện UpCom về tính thanh khoản và sức hấp dẫn của nó cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những quy định của pháp luật hiện nay. Mặt khác, tính minh bạch cũng là một vấn đề quyết định sự tăng trưởng của thị trường này.