Lãnh đạo Bộ Tài chính và các chuyên gia kinh tế đang đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo kế hoạch thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 trước diễn biến giá dầu thế giới liên tục sụt giảm đồng nghĩa với khả năng thất thu cao từ việc xuất khẩu dầu thô của Việt Nam.
Tăng thuế nhập khẩu, truy thu nợ đọng
Năm 2015, dự kiến tổng số thu cân đối NSNN được Bộ Tài chính đặt mục tiêu là 911,1 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối NSNN là 921,1 nghìn tỷ đồng.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp để dưỡng nguồn thu lâu dài. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Với mức giá dầu thô giảm sâu dưới 60 USD/thùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2009. Trước lo ngại về khả năng hụt thu nguồn NSNN trong năm tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Cơ cấu thu ngân sách năm 2014- 2015 khác với các năm trước. Tỉ trọng thu ngân sách từ dầu thô chỉ chiếm 10,2% tổng thu ngân sách (trước là 20 - 25%) nên nguồn thu NSNN không quá lệ thuộc vào sự biến động của giá dầu thô thế giới. “Thu từ thuế nội địa tức là từ sản xuất kinh doanh trong nước chiếm hơn 70% tổng thu ngân sách, nên tác động của thu từ dầu thô đến ngân sách không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành có các phương án để đảm bảo ngân sách”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Mới đây, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu xăng lên 27%; đồng thời cũng ban hành khung thuế nhập khẩu mặt hàng này với mức tối đa là 40%, cao hơn khá nhiều so với quy định trước đây. Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là động thái nhằm chống hụt thu, tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng: Việc ban hành khung thuế nhập khẩu xăng dầu tương ứng với giá xăng dầu trên thị trường thế giới nhằm thay thế quy định cũ là để phù hợp hơn với diễn biến giá mặt hàng này.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 16/12, ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp Quốc gia (Bộ Công Thương) cho rằng: Bộ Tài chính sẽ buộc phải tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng, đơn cử như thuế nhập khẩu xăng dầu trước bối cảnh giá nhập khẩu xăng dầu thế giới sụt giảm mạnh. “Như vậy, người tiêu dùng sẽ không được lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm”, ông Phương nói. Theo ông Phương, việc đôn đốc nợ đọng thuế là việc làm cần thiết nhưng cũng không dễ dàng do không ít doanh nghiệp vẫn đang trong tình cảnh khó khăn, phá sản hoặc trốn nợ.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay: Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại số nợ đọng thuế hiện lên đến hơn 60.000 tỷ đồng nhằm giảm nợ đọng thuế. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thuế sẽ phải cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp để thu hồi nợ. Mục đích của việc tăng cường thu hồi nợ đọng thuế ngoài việc tăng thu ngân sách còn đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách trong năm 2015 thì việc tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chính là tạo nguồn thu lâu dài. Đó là giải pháp căn cơ. Một trong những giải pháp sẽ tiếp tục thực hiện là rà soát thủ tục hành chính, minh bạch chính sách nhằm giảm thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.
Theo TS Vũ Đình Ánh chuyên gia kinh tế, để đảm bảo bù đắp nguồn thu trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần lập các phương án quy mô hụt thu khác nhau tương ứng với từng giả định về giá dầu thô và giá xăng dầu năm 2015, cả giá bình quân cũng như giá cho từng giai đoạn theo tháng và theo quý; phối hợp với các cơ quan có liên quan phân tích, đánh giá toàn diện tác động của từng phương án giá dầu thô và cả giá xăng dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, tới hoạt động xuất nhập khẩu, tới tiêu dùng trong nước để xây dựng các phương án thu NSNN; Bộ Tài chính cần chủ động đề xuất phương án bù đắp thiếu hụt nguồn thu tạm thời và không tạm thời từ khai thác các nguồn thu khác, kể cả tăng cường chống thất thu NSNN, đồng thời điều chỉnh tiến độ chi NSNN cho phù hợp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tăng nguồn thu thì việc cải tiến các chính sách, cải tiến quản lý thu chi là việc làm hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm kỷ luật chi tiêu, nỗ lực tiết giảm chi, kể cả chi hành chính, chi thường xuyên, chi trả nợ công, chi mua sắm, vay nước ngoài để giảm chi. Biện pháp tiếp theo là nâng cao hiệu lực quản lý bộ máy hành chính, xây dựng chế tài xử lý những trường hợp vi phạm như chi sai, lãng phí, dàn trải, chi ngân sách lớn mà không hiệu quả.
Minh Phương