Để mùa vụ thu hoạch vải thiều năm nay được thuận lợi, đạt hiệu quả, tỉnh Bắc Giang đang tích cực triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020.
Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ vải thiều vào ngày 6/6/2020, điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an; Tham tán kinh tế thương mại - Đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan tại Việt Nam; đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp phân phối: Aeon, Central Group, Mega Market, Saigon Coop, Happro, Vinmart…; các chợ đầu mối; doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ.
Ngoài điểm cầu chính tại Bắc Giang, còn có các điểm cầu tại UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh, thành phố còn lại. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước, tại sân Quảng trường 3/2, thành phố Bắc Giang.
Để các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 của tỉnh diễn ra an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng, UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau thời gian tổ chức hội nghị.
Các sở, ngành, địa phương ở tỉnh chủ động nắm bắt tình hình tiêu thụ, giá cả, thị trường; thông tin khuyến cáo kịp thời cho người dân phù hợp với từng thời điểm mùa vụ (thời điểm khả năng xuất khẩu, sức mua, tiêu thụ theo từng trà vải...).
UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên (nơi có các vùng sản xuất vải thiều sớm, chính vụ lớn nhất của tỉnh) thực hiện việc rà soát và lập danh sách các thương nhân người nước ngoài có nhu cầu đến địa bàn huyện thu mua vải thiều để báo cáo UBND tỉnh, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập cảnh vào Việt Nam đến địa phương thu mua vải thiều. Đồng thời, có trách nhiệm xây dựng phương án, xác định khu cách ly tập trung cho các thương nhân nước ngoài cách ly theo quy định.
Năm 2020, diện tích vải toàn tỉnh Bắc Giang khoảng trên 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn (tăng so với năm 2019 khoảng 10.000 tấn); trong đó, vải sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích trên 22.100 ha, sản lượng ước đạt 115.000 tấn. Vải chín sớm của Bắc Giang dự kiến sẽ tập trung thu hoạch rộ từ 20/5 - 10/6/2020; vải chính vụ của tỉnh dự kiến sẽ thu hoạch rộ từ 10/6 - 10/7/2020.
Đáng chú ý, mùa vụ năm 2020, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang đạt 15.000 ha (chiếm trên 50% tổng diện tích vải toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 110.000 tấn (chiếm ,7% tổng sản lượng vải) để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể cho xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 trước bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Địa phương xác định các thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, châu Âu, Trung Quốc...
Đối với thị trường Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật lựa chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận được tổng cộng 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha và có số hộ tham gia là 107 hộ; trong đó, huyện Tân Yên 5 ha vải chín sớm; huyện Lục Ngạn 98 ha vải chính vụ; sản lượng ước đạt trên 600 tấn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp UBND các huyện Lục Ngạn, Tân Yên đã chỉ đạo giám sát vùng trồng và hỗ trợ cho nông dân tham gia liên kết sản xuất đảm bảo theo đúng kế hoạch; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện lựa chọn, hướng dẫn lắp đặt hoàn thiện dây chuyền sơ chế - phân loại, xử lý - xông hơi khử trùng - đóng gói, bảo quản khép kín đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản tại Công ty Toàn Cầu (Lục Ngạn), với công suất 2 tấn/lần xông hơi khử trùng, dự kiến, lô hàng xuất khẩu để chào hàng sẽ thực hiện cuối tháng 5/2020.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, Australia, châu Âu..., tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218 ha tại 6 xã (Giáp Sơn, Tân Mộc, Tân Sơn, Hồng Giang, Kiên Lao, Tân Quang) của huyện Lục Ngạn; sản lượng ước đạt trên 1.000 tấn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu...